Trang tin điện tử phát triển thương hiệu

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng: Lưu giữ giá trị lớn để phát triển du lịch

  Thứ Hai, Ngày 19 Tháng 10, 2020, 14:33
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng: Lưu giữ giá trị lớn để phát triển du lịch

Không chỉ được mệnh danh là “lá phổi xanh” của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Khu bảo tồn (KBT) thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học độc đáo với nhiều hệ động, thực vật phong phú đặc trưng vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. “Luôn hiểu rõ giá trị quý giá này, Ban quản lý KBT thiên nhiên đã có nhiều nỗ lực trong việc tham mưu, thực hiện các giải pháp, hoạt động bảo tồn, bảo vệ, khai thác hợp lý và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, sinh cảnh, động thực vật và văn hoá đặc trưng trong vùng” - ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Ban quản lý KBT thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cho biết.

Một vài chia sẻ của ông về bức tranh KBT Lung Ngọc Hoàng, đâu là đặc trưng nổi bật và ý nghĩa đối với sự phát triển của ĐBSCL?

Nằm tại huyện Phụng Hiệp, cách TP.Cần Thơ 40 km, KBT Lung Ngọc Hoàng là vùng đồng trũng ngập nước rộng 2.805,37 ha, trải từ phía Tây sông Hậu đến vùng U Minh.

“Lung” hay “bưng” trong cách nói bản ngữ chỉ vùng đất ngập nước có nhiều cây cối hoang sơ. Theo sách “Địa chí Cần Thơ” (năm 2003), trên 120 năm trước đã có người đến đây khai khẩn. Trước năm 1945 có một số địa chủ thuê người làm ruộng và khai thác cá. Lung Ngọc Hoàng cũng trở thành căn cứ cách mạng trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Trước kia khu vực này được giao cho Lâm trường Phương Ninh đầu tư trồng cây tràm, khai thác nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường. Năm 2002, KBT Lung Ngọc Hoàng được thành lập, trở thành điểm đến nổi bật của du lịch Hậu Giang.
KBT Lung Ngọc Hoàng đang tồn tại 976 loài động thực vật, gồm 352 loài thực vật bậc cao, 57 loài nấm, 59 loài động vật đáy, 62 loài nhện, 100 loài côn trùng, 13 loài thân mềm, 173 loài tảo, 75 loài cá, 72 loài chim, 8 loài lưỡng cư, 31 loài bò sát và 14 loài thú. Trong đó có nhiều loại động thực vật quý hiếm ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như: Cà Na (Elaeocarpus hygrophilus Kurz), Lúa ma (Oryza rufipogon Griff),…

Hiện KBT Lung Ngọc Hoàng được chia thành 3 phân khu chính: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 1.015,32 ha; Phân khu phục hồi sinh thái: 937,11 ha và Phân khu dịch vụ hành chính: 853,32 ha. Xung quanh KBT còn có 8.836,07 ha được quy hoạch là vùng đệm. Hiện nay, hệ sinh thái được bảo vệ nghiêm ngặt và phát triển theo hướng tôn trọng diễn thế tự nhiên của hệ sinh thái; bảo tồn nét đặc trưng vốn có của vùng đất ngập nước Tây Nam Bộ.

Thời gian qua, Ban đã tham mưu, thực hiện các giải pháp, hoạt động nào nhằm bảo vệ, khai thác và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, sinh cảnh, động thực vật, văn hoá đặc trưng của KBT?

Những năm qua, Lung Ngọc Hoàng được sự quan tâm bảo vệ của cả hệ thống chính trị trên địa bàn, trong đó có sự hiệp quản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi Cục Kiểm lâm, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC), Công an tỉnh, huyện Phụng Hiệp cùng chính quyền các xã.
Bên cạnh việc thành lập, duy trì bộ máy chuyên trách trực thuộc UBND tỉnh, tỉnh Hậu Giang cũng dành nguồn lực đầu tư cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát triển một số công trình, điển hình như công trình nạo vét hệ thống kinh và xây dựng tháp canh lửa kiên cố bằng bê tông cốt thép phục vụ cho công tác PCCC và bảo vệ rừng, đồng thời mua sắm máy móc, thiết bị công suất lớn để cứu chữa khi có sự cố cháy rừng xảy ra.

Ban lãnh đạo KBT đã không ngừng đẩy mạnh giáo dục tập thể cán bộ viên chức nêu cao tinh thần trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là việc thường xuyên tuần tra, trực quan sát 24/24 bảo đảm phát hiện kịp thời sự cố. Ban cũng phối hợp với các đoàn thể, tổ chức quần chúng, thường xuyên giáo dục ý thức bảo vệ PCCC rừng mùa khô; đặc biệt đã xây dựng 14 Tổ nhân dân tự quản và 5 Tổ PCCC rừng. Ban còn xây dựng thỏa ước bảo vệ rừng và PCCC rừng giữa khu bảo tồn và các xã tiếp giáp và Hạt kiểm lâm Phụng Hiệp nên từ năm 2011 đến nay không xảy ra vụ cháy rừng.

Bên cạnh đó, Ban thường xuyên kiểm tra độ mặn, khảo sát mực nước tại các khoảnh rừng; điều tra, đánh giá thực trạng đa dạng sinh học, sự biến động của một số loài thực vật và đề xuất bổ sung loài mới trong Sách đỏ Việt Nam. Cùng với quản lý tốt phòng trưng bày (90 mẫu thực vật, 81 mẫu động vật), Ban cũng đã làm việc với các cơ quan, tổ chức như: Cục bảo tồn, WWF, Ủy ban sông Mê Kông, Viện sinh thái Miền Nam,… và các cơ quan truyền thông để ghi nhận các loài động, thực vật hiện hữu và giới thiệu quảng bá Lung Ngọc Hoàng nhằm kêu gọi đầu tư du lịch sinh thái.

Trong định hướng phát triển du lịch Hậu Giang, việc gắn kết du lịch nông nghiệp - nông thôn với các loại hình lưu trú đa dạng đang là hướng đi nhiều tiềm năng và Lung Ngọc Hoàng được coi là điểm nhấn trung tâm để “kích hoạt” phát triển du lịch xung quanh. Ban sẽ tham mưu, thực hiện những giải pháp nào để đánh thức "cô gái đẹp đang ngủ say", tạo động lực cho sự phát triển du lịch tỉnh nhà?

KBT thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là một viên ngọc quý hiếm của Việt Nam, rất phù hợp cho việc khai thác làm du lịch theo phân khúc khách cao cấp. Tuy vậy, Lung Ngọc Hoàng giống như "một cô gái đẹp đang ngủ say và cần được đánh thức".
Ông Lê Tiến Châu
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang

KBT thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng có nhiều tiềm năng để xây dựng thành khu nghỉ dưỡng, với các khu nhà nghỉ ven rừng, thân thiện với môi trường với nhiều loại hình dịch vụ lưu trú như: Homestay, Ecolodge, Farm house, khách sạn, Spa…Bên cạnh đó có thể phát triển các loại hình du lịch như: Khám phá rừng tràm, cây bản địa do con người tái tạo, khám phá lung đìa, dòng sông cổ, thăm các điểm chim trú chân, quan sát các loài thực vật, động vật rừng, các loài thủy sản bản địa, các tổ ong mật hoang dã, khu tràm gần 40 năm tuổi …; các cảnh quan làng quê đặc thù của cư dân bản địa…
Để thúc đẩy hoạt động du lịch tại Lung Ngọc Hoàng, hiện tỉnh Hậu Giang đang xúc tiển đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông để kết nối các khu du lịch trong tỉnh. Về đường bộ sẽ ưu tiên xây dựng đường kết nối từ tỉnh lộ 927 đến KBT và tổ chức giao thông đường thủy từ TP.Ngã Bảy đến phân khu hành chính KBT, nhằm vừa kết hợp giao thông chính với du lịch tham quan sông nước.

Ban cũng đã đề xuất tỉnh và các ngành chức năng sớm đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Nhà Trung tâm điều hành du lịch sinh thái; phòng họp lớn; khu nhà khách công vụ, các nhà nghỉ dạng “bungalow”;... và trang bị các phương tiện để phục vụ du khách. Ban còn cử cán bộ, nhân viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về dịch vụ du lịch. Bởi ngoài những kiến thức về bảo tồn thiên nhiên và sự hiểu biết về những đặc trưng, giá trị của tài nguyên động vật, thực vật, cảnh quan, văn hóa, lịch sử của khu rừng, những người làm nhiệm vụ hướng dẫn và dịch vụ du lịch cần phải có kỹ năng về giao tiếp, ứng xử, ngoại ngữ, tin học, cứu hộ... Tin tưởng rằng với sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành, sự ủng hộ của người dân trên địa bàn và sự quan tâm của các nhà đầu tư, hoạt động du lịch tại Lung Ngọc Hoàng sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum 

Từ khóa:

Bài viết liên quan

au vung ben phai.tren cung
nha mat

TỶ GIÁ NGOẠI TỆ - VÀNG

  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
Yến sào Khánh HòaSAMAI BÊN PHẢIQuảng cáo bên trái dưới 2 (RMIT)CANG DONG NAI
vcci duoi cung ben trai
SAOMAIGROUP DƯỚI PHẢI

Đối tác

  • nha yen nha trang
  • coimex
  • Tà Cú
  • cang dong nai - doi tac
  • xskt sóc trăng