Trang tin điện tử phát triển thương hiệu

Bất động sản nghỉ dưỡng thời Covid

  Thứ Hai, Ngày 24 Tháng 8, 2020, 9:12
Bất động sản nghỉ dưỡng thời Covid

Sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 đã làm xáo trộn thị trường bất động sản vừa gắng gượng trở lại. Mọi kế hoạch bán hàng của doanh nghiệp và các sàn bất động sản gần như đảo lộn. Trong đó, bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc trực tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid -19.

Thị trường có thể phải “nghỉ đông” sang năm 2021

Theo công bố của CBRE, với các quy định kiểm dịch do sự bùng phát của Covid-19, ngành du lịch Việt Nam trong 6 tháng đầu năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn quý 2/2020 chủ yếu là các chuyên gia và kỹ thuật viên nước ngoài làm việc trong các dự án Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã đón 3,74 triệu lượt khách du lịch quốc tế, giảm 55,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á- Thái Bình Dương cho biết, chính sách đóng cửa biên giới và hạn chế các chuyến bay khiến lượng khách du lịch sụt giảm, công suất buồng phòng, giá phòng, đặc biệt là phân khúc phụ thuộc vào nguồn khách quốc tế bị sụt giảm đáng kể. Áp lực từ công suất phòng thấp đã khiến giá phòng quý 1/2020 trung bình giảm thêm đến 21% so với quý 1/2020. Từ tháng 6, khi dịch bệnh “im ắng” hơn, lượng khách du lịch nội địa tăng, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng bước vào giai đoạn phục hồi đúng mùa cao điểm du lịch. Công suất thuê khách sạn và resort cải thiện tốt trong các kỳ nghỉ cuối tuần. Nhu cầu tổ chức sự kiện tại những thành phố lớn quay trở lại.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 7, dịch bệnh bùng phát trở lại tại Đà Nẵng như một đòn chí mạng giáng đến toàn bộ thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cả nước. Khách sạn và resort tại Đà Nẵng chịu tác động sớm nhất từ việc du khách hủy đặt phòng cho tháng 8 và tháng 9. Một số khách sạn và resort khác  cho phép khách hàng chuyển ngày đặt phòng với hy vọng duy trì nguồn khách. Ở những khu vực chưa xuất hiện dịch trở lại như Phú Quốc, Nha Trang, Bình Thuận, Phú Yên… cũng bị ảnh hưởng nặng nề, hầu như các dự án đang triển khai hoạt động cầm chừng.Với các doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng vừa trải qua đợt khó khăn, mới hoạt động trở lại sau vài tháng lại tiếp tục gặp dịch bệnh nên sự tổn thất về nhân sự, tài chính là điều không tránh khỏi.

Theo giới chuyên gia, trường hợp dịch bệnh kéo dài hơn, thậm chí đến cuối năm, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng dịch mạnh hơn của Chính phủ. Thị trường sẽ phải "ngủ đông" lâu hơn, có thể phải kéo qua năm 2021.

Cơ hội nào để bất động sản nghỉ dưỡng vực dậy?

Tác động từ dịch bệnh chỉ là khó khăn trước mắt, bởi bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, nhu cầu của người tiêu dùng vẫn rất lớn, khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định, các dự án vẫn được mở rộng và triển khai. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng công bố ngày 4/8, trong quý 2 số dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép cũng tăng so với quý trước. Cụ thể, có 12 dự án với 70 căn hộ du lịch, 1 căn văn phòng kết hợp lưu trú và 256 biệt thự du lịch hoàn thành; 92 dự án với 197 biệt thự du lịch, 6.300 căn hộ du lịch và 46 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép; 91 dự án với 8.407 biệt thự du lịch và 19.878 căn hộ du lịch đang triển khai xây dựng.

Ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch VNREA Việt Nam đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và bất động sản du lịch nói riêng còn dư địa phát triển rất mạnh mẽ, bởi chiến lược lấy du lịch là mũi nhọn phát triển kinh tế của Chính phủ. Sức hút đối với nhà đầu tư, ngoài ưu tiên về thiên nhiên, con người, kinh tế Việt Nam, đến giá bất động sản hiện tại còn khá rẻ. Đây là yếu tố giúp bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, dự báo sẽ được bùng nổ trong 5 -10 năm tới.

Theo số liệu của Savills Hotels, hiện nay Việt Nam có 49 dự án bất động sản nghỉ dưỡng thuộc phân khúc 4 và 5 sao tại các điểm đến nghỉ dưỡng chính đang được triển khai xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2020, bổ sung khoảng 16,900 phòng cho thị trường nghỉ dưỡng. Khảo sát cho thấy 53% trong số các dự án này, hiện vẫn đang gấp rút hoàn thiện những bước cuối cùng, 23 dự án còn lại tạm hoãn thời gian hoàn thiện qua năm 2021. Trong số đó, hơn 60% dự kiến hoàn thiện vào Quý 1 và Quý 2 năm 2021.

Những cơ hội từ các FTA thế hệ mới là điểm nhấn thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới. Qua đó sẽ gia tăng nhu cầu sống và làm việc tại Việt Nam của người nước ngoài có năng lực tài chính, góp phần làm thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tăng trưởng và thanh khoản tốt hơn.

Bên cạnh đó, ông Đoàn Văn Bình cũng cho rằng, những cơ chế, chính sách thông thoáng về bất động sản cho người nước ngoài thể hiện qua những sửa đổi đồng bộ của pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản, xây dựng, du lịch, tín dụng, xuất nhập cảnh…nếu sớm được áp dụng sẽ như một giải pháp cấp bách giúp thị trường hồi phục nhanh sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid -19 gây ra. Đồng thời, đây cũng là giải pháp dài hạn để Việt Nam trở thành điểm đến nghỉ dưỡng, đầu tư bất động sản của người nước ngoài, tăng ưu thế cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Nguyễn Mai (Vietnam Business Forum)

Từ khóa:

Bài viết liên quan

au vung ben phai.tren cung
nha mat

TỶ GIÁ NGOẠI TỆ - VÀNG

  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
Yến sào Khánh HòaSAMAI BÊN PHẢIQuảng cáo bên trái dưới 2 (RMIT)CANG DONG NAI
vcci duoi cung ben trai
SAOMAIGROUP DƯỚI PHẢI

Đối tác

  • nha yen nha trang
  • coimex
  • Tà Cú
  • cang dong nai - doi tac
  • xskt sóc trăng