Trang tin điện tử phát triển thương hiệu

Chất “xúc tác” cho ngân hàng số và thanh toán điện tử phát triển

  Thứ Sáu, Ngày 29 Tháng 5, 2020, 8:25
Chất “xúc tác” cho ngân hàng số và thanh toán điện tử phát triển

Xét ở một góc độ tích cực, đối với lĩnh vực ngân hàng, tác động của dịch COVID-19 đang thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đua của các ngân hàng và các doanh nghiệp công nghệ tài chính trong tiến trình triển khai số hóa dịch vụ và thanh toán điện tử.

Còn trở ngại về mặt pháp lý

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc tái cấu trúc nền kinh tế sau đại dịch có rất nhiều việc phải làm, một trong những việc rất quan trọng là phải thực hiện số hóa nền kinh tế và số hóa doanh nghiệp, đẩy mạnh thương mại điện tử. Yêu cầu số hóa và quốc tế hóa đang trở thành những yêu cầu quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Số hóa và quốc tế hóa đảm bảo sự phát triển hiệu quả hơn, bền vững hơn của nền kinh tế và của các doanh nghiệp.

Trong các nền kinh tế ở Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có lợi thế trong phát triển kinh tế số. Việt Nam có hạ tầng số phát triển khá mạnh so với các nền kinh tế trong khu vực. Đó là lợi thế để Việt Nam có thể chuyển nền kinh tế số sang không gian số, thúc đẩy số hóa trong các doanh nghiệp.

Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện đã có 70 tổ chức tín dụng và chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Giá trị giao dịch tài chính qua internet đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và 300 nghìn tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động. Những con số này bước đầu có ý nghĩa, tuy nhiên nếu so với quy mô của nền kinh tế, lượng giao dịch như vậy là nhỏ.

Nếu so với mô hình ngân hàng truyền thống thì ngân hàng số và ví điện tử có nhiều điểm khác biệt và có lợi thế cạnh tranh so với mô hình truyền thống. Tất cả các kênh giao tiếp với khách hàng được thực hiện trực tuyến thông qua các thiết bị di động với một giao diện phong phú, trực quan và gắn kết, tạo sự gắn bó với khách hàng.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán số nhưng vẫn còn trở ngại về mặt pháp lý, thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành, khiến thanh toán số chưa thể mở rộng nhanh và dễ dàng tới nhóm khách hàng ưa tiện lợi. Cụ thể là sự thiếu phù hợp giữa các quy định về chứng từ điện tử hiện hành và tính chất đặc thù của những chứng từ điện tử phát sinh trong các giao dịch số; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với các lĩnh vực chứng thực chữ ký số đã được ban hành nhưng còn nhiều hạn chế; Vấn đề bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng vẫn chưa đảm bảo... Đặc biệt, trong khi các định chế tài chính truyền thống đang chịu nhiều ràng buộc pháp lý để đảm bảo an toàn hệ thống, thì các quy định pháp lý đối với các công ty Fintech ở Việt Nam còn chưa đầy đủ.

“So với cơ sở hạ tầng cứng của nền kinh tế số, nền tảng công nghệ số đã vượt lên trên hạ tầng mềm, hệ thống quy định pháp lý, hệ thống thể chế liên quan đến kinh tế số. Ở đây có sự khập khiễng giữa nền tảng về công nghệ số với nền tảng thúc đẩy nền kinh tế số. Do đó, hai nền tảng này (nền tảng cứng và nền tảng mềm) cho nền kinh tế số phải được thực hiện song hành để thúc đẩy nền kinh tế số và thúc đẩy hệ thống ngân hàng số và bộ phận thanh toán điện tử trong nền kinh tế Việt Nam”, TS Vũ Tiến Lộc nhận định.

Cần cú hích để thay đổi thói quen người tiêu dùng

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN, Việt Nam mất một vài năm để ra đời một Nghị định, trong khi đó công nghệ luôn phát triển, thậm chí chỉ sau 2-3 tháng lại có một loại hình mới. Do đó, phải thay đổi, cho phép những mô hình đổi mới sáng tạo với những thứ chưa có cơ sở pháp lý (ví dụ như thời gian qua có mobile money).

Ông Dũng cho biết, hiện tốc độ tăng trưởng về mobile banking là 200%, cho thấy Việt Nam đang tăng trưởng rất tốt. Thống kê hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày.

Tuy nhiên rào cản lớn nhất là thói quen của người dùng, do đó, theo ông Dũng, vẫn cần cú hích lớn để thay đổi thói quen. Tác động cần thiết ở đây là chất lượng dịch vụ phải tăng cường, cần hướng dẫn đào tạo, thực hiện cài đặt và sử dụng dịch vụ mobile banking thật đơn giản để thay đổi thói quen người dùng. 

Để thúc đẩy kinh tế số, ông Dũng cho rằng, có 2 điểm mà các ngân hàng cần lưu ý, đó là phải làm thế nào để nhanh nhất đưa những người sử dụng thông thường trở thành khách hàng của ngân hàng; và câu chuyện quan trọng hơn là khách hàng có được thoả mãn với những sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng cung cấp. Các ngân hàng cần xây dựng được hệ sinh thái thông minh, ví dụ như câu chuyện mà ngành điện lực đang làm là xây dựng hệ thống kết nối với ngân hàng để khách hàng thực hiện giao dịch.

Bên cạnh đó, trong ngân hàng số và thanh toán số không thể không nhắc tới quan hệ hợp tác ngân hàng-Fintech. Hiện có tới 81% tổ chức tín dụng lựa chọn mô hình hợp tác giữa ngân hàng – Fintech để cùng phát triển. 

Về cơ bản, Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán số, vấn đề đặt ra là phát triển những mô hình mới. Do đó, ông Dũng cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ xây dựng, ban hành Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng số, thanh toán số.

Theo ông Dũng, dự kiến trong tháng 6 này, NHNN sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có khái niệm về tiền điện tử, ngân hàng đại lý. Đây là cơ sở để các ngân hàng phát triển ngân hàng số toàn diện. Trong khi ngân hàng truyền thống xử lý hồ sơ tín dụng cho các doanh nghiệp mất khoảng 1 tuần, thì ngân hàng số có thể giải ngân cho doanh nghiệp chỉ sau khoảng 2 giờ bằng cách số hoá toàn bộ dữ liệu, dùng công nghệ thẩm định tín dụng.

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, VN cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ số, trong đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ ngành ngân hàng; Tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng của ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số. 

Ngoài ra, chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số phải gắn với thúc đẩy tài chính toàn diện, triển khai các nội dung liên quan đến phát triển ngân hàng số, hợp tác ngân hàng - Fintech, ứng dụng CNTT trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện; đồng thời cung ứng dịch vụ ngân hàng an toàn, thuận tiện với giá cả hợp lý cho người dân chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, cũng như chú trọng nâng cao hiểu biết, kỹ năng tài chính.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng

Trong xu hướng phát triển ngân hàng số toàn cầu, có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam chậm, cần “chạy” nhanh hơn. Theo tôi, đúng là chậm, nhưng chậm mà chắc, đừng nôn nóng. Hạ tầng công nghệ của Việt Nam còn yếu; hoạt động lừa đảo, gian lận vẫn đang hoành hành mà chưa kiểm soát được, do đó, đừng vội vã.

Việt Nam có 40% người dân không có tài khoản ngân hàng, do đó, để mời gọi họ sử dụng hệ thống thanh toán quốc gia thì phải kích thích họ dùng ví điện tử. Đối với ví điện tử, không có điều kiện bảo đảm cho người dùng, bởi tiền của họ có thể được sử dụng cho mục đích đầu tư khi hiện nay có hình thức đầu tư qua đêm và hình thức đầu tư trong ngày. Đây cũng có thể là rủi ro cho người dùng. Bởi vậy, nếu Việt Nam kiểm soát được điều này với chế tài chặt chẽ và công nghệ cao thì sẽ phát triển lành mạnh được loại hình ví điện tử.

Về mobile money, rủi ro là nhà viễn thông lại không phải là ngân hàng, do đó hiện tượng rửa tiền có thể xảy ra. Cùng với đó, chức năng tạo tiền sẽ được các nhà mạng được phép thực hiện, đây là rủi ro với hệ thống tiền tệ.

Ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

Việc đưa công nghệ số, phần mềm tin học, kế toán vào sớm thì sẽ thúc đẩy xu hướng này nhanh chóng phát triển

Về phía Bộ Tài chính bắt đầu áp dụng rộng chứng từ điện tử, chữ ký điện tử - đây là bước đầu để áp dụng công nghệ số.

Về phía ngân hàng, hiện nay, cách mạng số bắt đầu khởi phát cho phép phát triển giao dịch không dùng tiền mặt. Xu hướng này tại Việt Nam tuy chậm mà chắc.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng ngoài kinh doanh tiền, tín dụng thì chức năng tổ chức lưu chuyển tiền tệ trong nền kinh tế cũng là vấn đề rất quan trọng.

Có 4 việc chúng ta cần phải làm ngay, đó là cần nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt; phải xác định được tổ chức cá nhân được quyền cung ứng các dịch vụ trung gian về thanh toán; tạo dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật; và đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng, đặc biệt là vấn để bảo mật.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP MISA

Chúng tôi cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng kế toán. Hệ thống này giúp tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí, và chính xác. Với ngân hàng không cần nhân viên tiếp khách nữa, nhưng vẫn thu hút được khách hàng doanh nghiệp tới sử dụng dịch vụ của mình.

Bên cạnh đó, MISA xây dựng hệ thống kết nối an toàn để đảm bảo giao dịch được an toàn nhất. Ngoài ra, MISA cũng đang xây dựng hệ thống phần mềm giúp đánh giá chỉ số hỗ trợ tín dụng đối với các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, trong đó có số liệu thanh toán trả nợ, làm phần trung gian kết nối để đánh giá sức khỏe doanh nghiệp vay vốn, từ đó hỗ trợ ngân hàng có thông tin khách hàng một cách nhanh chóng.

Chúng tôi đề nghị sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Nếu Nghị định này sớm được ban hành, sẽ thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp trung gian thanh toán.

Đồng thời, với vấn đề cung cấp thông tin tín dụng thì cần sớm xây dựng hành lang cho thông tin tín dụng và làm sao để hình thành doanh nghiệp chuyên cung cấp thông tin dịch vụ tín dụng; đồng thời nới lỏng định mức để hỗ trợ vay vốn.

Ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt:

Để phát triển bền vững ngân hàng số và thanh toán điện tử, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt là định danh cá nhân (ID cá nhân).

Khi xây dựng ngân hàng số, điều quan trọng là phải có tiền điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bởi nếu không liên kết được với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thì chúng ta không định danh được. Do đó, Nhà nước cần triển khai ngay việc này bởi đây là gốc của vấn đề, qua đó chúng ta sẽ ứng dụng được rất nhiều thứ.

Thói quen là điều có thể thay đổi được. Nếu doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tốt thì người dân sẽ sử dụng dịch vụ của họ. Những chế tài của nhà nước cũng có thể thay đổi được theo thời gian. 

Anh Mai (Vietnam Business Forum)

Từ khóa:

Bài viết liên quan

au vung ben phai.tren cung
nha mat

TỶ GIÁ NGOẠI TỆ - VÀNG

  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
Yến sào Khánh HòaSAMAI BÊN PHẢIQuảng cáo bên trái dưới 2 (RMIT)CANG DONG NAI
vcci duoi cung ben trai
SAOMAIGROUP DƯỚI PHẢI

Đối tác

  • nha yen nha trang
  • coimex
  • Tà Cú
  • cang dong nai - doi tac
  • xskt sóc trăng