Trang tin điện tử phát triển thương hiệu

Hải Phòng: Cơ hội bứt phá từ các cơ chế, chính sách đặc thù

  Thứ Ba, Ngày 1 Tháng 11, 2022, 16:27
Hải Phòng: Cơ hội bứt phá từ các cơ chế, chính sách đặc thù

Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng được coi là đòn bẩy cho thành phố bứt phá và trở thành động lực tăng trưởng của cả nước. Xung quanh nội dung này, phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng.

Trên đà vượt khó ấn tượng của năm 2021, Hải Phòng tiếp tục đạt được kết quả đáng khích lệ về tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2022. Ông có chia sẻ gì về kết quả này; đâu là nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm?

Trong 9 tháng đầu năm 2022, thành phố Hải Phòng tập trung thực hiện hiệu quả, linh hoạt mục tiêu phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời duy trì được sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Tăng trưởng kinh tế thành phố đạt mức khá cao so với bình quân chung cả nước và các tỉnh, thành phố khác; một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm ước tăng 12,06% so với cùng kỳ, đứng thứ 9 cả nước, gấp gần 1,4 lần bình quân chung cả nước (GDP cả nước 9 tháng tăng 8,83%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng ước tăng 12,7%; thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn ước đạt 78.461,46 tỷ đồng (tăng 18,79%) và bằng 74,27% dự toán HĐND thành phố giao. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 124.667,38 tỷ đồng (tăng 7,99%), bằng 62,33% kế hoạch. Sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 113,02 triệu tấn (tăng 9,35%); số lượng khách du lịch ước đạt 5,585 triệu lượt khách (tăng 77,25%), bằng 123,4% kế hoạch năm.

Thành phố đã khởi công, khánh thành một số công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực như giao thông, đô thị, góp phần nâng tầm vị thế và mở đường phát triển cho nhiều lĩnh vực KT-XH của thành phố.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện mạnh mẽ; chỉ số cải cách hành chính (PAR) lần đầu tiên bứt phá lên vị trí đứng đầu cả nước. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên trong giai đoạn tới, dự báo tình hình KT-XH thành phố tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thành phố xác định tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

(1) Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thu hút các nguồn lực thúc đẩy phát triển KT-XH.

(2) Đẩy mạnh triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả chủ đề năm “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”.

(3) Rà soát các nguồn thu, sắc thuế, quyết liệt thu NSNN; tập trung chỉ đạo các dự án đấu giá đất, đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư để tăng thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành mục tiêu thu nội địa năm 2022 đạt 41 nghìn tỷ đồng.

 (4) Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án lớn, trọng điểm.

 (5) Thực hiện tốt các chương trình phát triển văn hóa, con người, bảo đảm an sinh và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.


Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra dự án mở rộng sân đỗ máy bay và công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà ga T2, sân bay Cát Bi 

Nghị quyết số 35/2021/QH15 thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng đã được thành phố cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ nào?

Các cơ chế đặc thù sẽ mang đến cho Hải Phòng cơ hội phát triển mới, đó là:

- Bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương; nâng hạn mức dư nợ vay; phí và lệ phí sẽ khuyến khích thành phố phấn đấu tăng thu NSNN, đóng góp cho ngân sách chung của Trung ương; đồng thời để Trung ương có cơ sở hỗ trợ bổ sung nguồn lực cho ngân sách thành phố trong những năm tiếp theo, thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH đã được Bộ Chính trị đặt ra tại Nghị quyết số 45.

- Chính sách về quản lý đất đai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Hải Phòng chủ động, linh hoạt và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai, từ đó tạo môi trường thông thoáng, nâng cao sức cạnh tranh cho thành phố trong việc thu hút đầu tư các dự án động lực trên địa bàn để phát triển KT - XH.

- Chính sách về quản lý quy hoạch sẽ góp phần tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện điều chỉnh và thúc đẩy thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm có tính chất lan tỏa, dẫn dắt các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.

- Chính sách về thu nhập cho cán bộ, viên chức sẽ là cơ chế tốt thu hút, giữ chân nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao - lực lượng đảm bảo sự phát triển của thành phố trong tương lai.

Các cơ chế, chính sách đề xuất trên quan điểm Hải Phòng phát triển không chỉ riêng cho mình, mà hơn hết còn vì sự phát triển chung của cả nước, là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước. Do vậy, thành phố đã và đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị quyết liệt trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15, cụ thể như sau:

* Về quản lý tài chính, NSNN: Trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 56/NQ- HĐND ngày 10/12/2021 phê duyệt chủ trương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2022 tại thành phố Hải Phòng. Đồng thời báo cáo, đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép đưa trái phiếu chính quyền địa phương thành phố Hải Phòng vào danh mục giấy tờ có giá được sử dụng cho giao dịch của Ngân hàng Nhà nước để huy động nguồn lực;...

* Về quản lý đất đai: UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 04/7/2022 triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 10ha đến dưới 500ha trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

 * Về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý: Trình HĐND thành phố thông qua mức chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể do thành phố quản lý tại Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022.

 * Về khu thương mại tự do: Nội dung này không được quy định trong Nghị quyết số 35/2021/QH15 nhưng đã được đề cập trong Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị và trong Thông báo số 212/TB-TTKQH ngày 14/10/2021 của Tổng Thư ký Quốc hội thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 4, tháng 10/2021. Thành phố đã chủ động chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ngành liên quan triển khai nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới, để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện của thành phố Hải Phòng, gắn với yêu cầu lập Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.


Biểu tượng Hoa Phượng tạo điểm nhấn cho Cầu Rào 1 - là một trong những cây cầu hiện đại bậc nhất ở nội đô TP.Hải Phòng

Năm 2021 là năm đầu tiên thành phố Hải Phòng vươn lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố trong Bảng xếp hạng chỉ số PCI với 70,61 điểm, tăng 1,34 điểm và tăng 05 bậc xếp hạng so với năm 2020. Vậy để tiếp tục giữ vững vị trí này, Hải Phòng tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?

Để duy trì điểm số và thứ hạng cao trong Bảng xếp hạng PCI và đạt mục tiêu trở thành điểm đến mong muốn của mọi nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thời gian tới, thành phố Hải Phòng sẽ tập trung vào 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

(1) Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tăng tốc cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch:

 - Đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) để nâng cao chất lượng điều hành kinh tế.

- Thực hiện đổi mới, cải cách hành chính mạnh mẽ, kết hợp chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Xây dựng sáng tạo nhiều mô hình mới hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) lập, hoàn thiện hồ sơ khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC).

 - Tăng cường tuyên truyền và đẩy mạnh thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4.

 - Tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức tập trung về kỹ năng giải quyết công việc, kỹ năng giao tiếp để cải thiện chất lượng và thái độ phục vụ người dân, DN.

 - Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, nghiên cứu triển khai ứng dụng phát triển đô thị thông minh; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp,...

 (2) Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường hỗ trợ DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa:

 - Tăng cường thực hiện “Chương trình kết nối đầu tư kinh doanh” để kết nối nhu cầu đầu tư, hợp tác giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, giữa DN địa phương khác và thành phố.

 - Tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, liên kết hợp tác mở rộng các kênh phân phối hàng hóa.

 - Thực hiện các hoạt động hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực của DN, DN nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố.

 - Đổi mới công tác đào tạo lao động, giáo dục nghề nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực đáp ứng nhu cầu của DN, đặc biệt về kế toán, tài chính, quản trị kinh doanh.

 - Đổi mới đối thoại DN bằng nhiều hình thức phong phú, tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 trong hướng dẫn, giải đáp trực tuyến cho DN trên Cổng thông tin điện tử thành phần.

(3) Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện việc tiếp cận đất đai:

- Rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tích cực hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, người dân thực hiện TTHC về đất đai.

 - Tăng cường tham mưu, đề xuất thu hồi diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí tài nguyên đất, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.

 - Đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai hiện đại và đồng bộ; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức, công dân trong tiếp cận, khai thác sử dụng thông tin đất đai.

 - Giải đáp trực tiếp các vướng mắc về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai để người dân và DN hiểu rõ khi thực hiện các TTHC; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án lớn, trọng điểm của thành phố.

 - Công khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất nhằm minh bạch hóa việc tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, làm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất;...

(4) Nhóm nhiệm vụ và giải pháp thu hút dòng vốn FDI mới:

- Chú trọng công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) “tại chỗ”, thu hút các tập đoàn, nhà đầu tư lớn, mở rộng XTĐT bằng hình thức trực tuyến; xây dựng hình ảnh, tuyên truyền quảng bá, giới thiệu môi trường đầu tư của thành phố qua kênh ngoại giao, thông qua các diễn đàn, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức XTĐT của nước ngoài tại Việt Nam.

 - Mở rộng và nâng cao chất lượng của mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo các tiêu chí quốc tế; gắn kết giữa cơ sở đào tạo với DN.

 - Kiện toàn hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hình thành một số trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo theo hướng liên kết với các DN. Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thu hút, trọng dụng, đãi ngộ cho cán bộ quản lý và chuyên gia khoa học công nghệ.

 - Xây dựng các cơ chế, chính sách đồng bộ, khả thi liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần, tạo phúc lợi cho người lao động; nâng cao mức độ cạnh tranh của thành phố trong thu hút lao động, đặc biệt đối với lao động nhập cư.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Thành (Vietnam Business Forum)

Từ khóa:

Bài viết liên quan

au vung ben phai.tren cung
nha mat

TỶ GIÁ NGOẠI TỆ - VÀNG

  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
Yến sào Khánh HòaSAMAI BÊN PHẢIQuảng cáo bên trái dưới 2 (RMIT)CANG DONG NAI
vcci duoi cung ben trai
SAOMAIGROUP DƯỚI PHẢI

Đối tác

  • nha yen nha trang
  • coimex
  • Tà Cú
  • cang dong nai - doi tac
  • xskt sóc trăng