Trang tin điện tử phát triển thương hiệu

Sự cải thiện chỉ số công khai minh bạch ngân sách tỉnh có dấu hiệu chững lại

  Thứ Tư, Ngày 23 Tháng 6, 2021, 9:40
Sự cải thiện chỉ số công khai minh bạch ngân sách tỉnh có dấu hiệu chững lại

Khảo sát Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) là khảo sát được thực hiện hàng năm về mức độ công khai ngân sách của 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Theo kết quả khảo sát POBI 2020 vừa được công bố, điểm trung bình về công khai ngân sách tỉnh năm 2020 đạt 69,09 điểm trên tổng số 100 điểm, tăng thêm 3,54 điểm so với kết quả năm 2019.

Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, điểm số POBI của các tỉnh năm đầu tiên thực hiện( 2017) nhìn chung rất thấp, trung bình cả nước chỉ có 30 điểm. Nghĩa là hầu như không tỉnh nào quan tâm đến việc tuân thủ minh bạch ngân sách theo tinh thần của Luật Ngân sách 2015. Tuy nhiên, sang những năm tiếp theo đã có sự cải thiện mạnh mẽ khi các tỉnh nhận ra vị trí ở bảng xếp hạng, điểm số POBI trung bình cả nước tăng lên đến 50 (năm 2018), và tiếp tục lên 65 điểm vào năm 2019. Điều đó cho thấy các tỉnh đều có ý thức cải thiện tính minh bạch ngân sách của mình theo đúng Luật Ngân sách cũng như theo sự phát triển chung của xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Thành, đến năm 2020 là năm thứ tư thực hiện xếp hạng thì sự cải thiện về số điểm POBI có dấu hiệu chững lại. Điểm tích cực là nhiều tỉnh trước đây thứ hạng rất thấp, chưa quan tâm thực hiện công khai minh bạch ngân sách thì năm 2020 đã có cải thiện đáng kể. Ngoài ra nhóm điểm cao, nhóm các tỉnh có truyền thống công khai minh bạch ngân sách, tuân thủ luật Ngân sách, thì vẫn giữ được phong độ ổn định.

Theo kết quả POBI 2020, có 27 tỉnh công khai đầy đủ tài liệu và thông tin về ngân sách nhà nước, tăng 3 tỉnh so với năm 2019. Số tỉnh công khai tương đối đầy đủ là 29 tỉnh, tăng 2 tỉnh so với năm 2019. Số tỉnh công khai chưa đầy đủ và công khai ít lần lượt là 5 và 2 tỉnh, giảm lần lượt 4 và 1 tỉnh so với năm 2019.

Vĩnh Long là tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng, đạt 93,68 điểm. Đà Nẵng xếp thứ hai với 92,26 điểm và Bà Rịa-Vũng Tàu xếp thứ ba với 90,45 điểm. Hai tỉnh công khai ít thông tin nhất trong kết quả xếp hạng POBI 2020 là Bình Phước (3,84 điểm) và Đắk Lắk (23,41 điểm). Tỉnh Lạng Sơn năm 2019 đứng áp chót bảng xếp hạng thì năm 2020 đã vươn lên thứ 16 với 82,3 điểm, thuộc nhóm tỉnh công khai đầy đủ thông tin.

Năm 2020 cũng là năm đầu tiên thực hiện khảo sát về tính liên tục của các tài liệu được công khai. Kết quả khảo sát cho thấy có 49 tỉnh, chiếm 77,78% tổng số tỉnh công bố tài liệu dự toán ngân sách tỉnh trình Hội đồng Nhân dân tỉnh liên tục trong ba năm, 52 tỉnh (82,54%) công bố tài liệu dự toán được Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định được duyệt liên tục trong ba năm và 51 tỉnh (80,95%) công bố báo cáo quyết toán ngân sách tỉnh đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh phê chuẩn liên tục trong ba năm.

Kết quả chấm POBI 2020 cho thấy sự tiến bộ vượt bậc về tính thuận tiện khi 100% số tỉnh có thư mục công khai ngân sách và đa số các tài liệu được công khai dưới dạng Word/Excel hoặc định dạng PDF, dễ dàng sử dụng và chuyển đổi.

Tuy vậy, kết quả POBI 2020 cũng cho thấy các tỉnh vẫn cần phải nỗ lực để tiếp tục cải thiện mức độ công khai minh bạch ngân sách và tạo cơ hội cho sự tham gia của người dân.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), khảo sát có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra một hệ thống thông lệ cho các cấp quản lý ngân sách ở Việt Nam, dần tiến tới thông lệ quốc tế trong chi tiêu công, dựa trên 4 trụ cột của quản lý ngân sách hiện đại: tính minh bạch, tính giải trình, tính tiên liệu, và sự tham gia của người dân. Kết quả đánh giá, cho điểm và xếp hạng các tỉnh theo chỉ số chung cũng như theo chỉ số thành phần của báo cáo là những dữ liệu cần thiết, hữu ích để người đọc có thể nhận diện được bức tranh chung trên cả nước về việc thực thi tính công khai và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước trong việc triển khai các khâu ngân sách.

Khảo sát được thực hiện độc lập bởi hai tổ chức thành viên của Liên minh minh bạch ngân sách (BTAP) là Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) từ năm 2017. Kết quả khảo sát là công cụ giúp các địa phương và cơ quan trung ương tham chiếu, đo lường mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách nhà nước tại các tỉnh. POBI cũng là công cụ hỗ trợ Việt Nam thực hiện cải cách hành chính và tài khoá tốt hơn, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững SDG 16 về minh bạch, giải trình có sự tham gia của người dân. Khảo sát POBI 2020 được thực hiện với sự tài trợ của Tổ chức Oxfam Việt Nam và Viện KAS tại Việt Nam.

Quỳnh Anh (Vietnam Business Forum)

Từ khóa:

Bài viết liên quan

au vung ben phai.tren cung
nha mat

TỶ GIÁ NGOẠI TỆ - VÀNG

  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
Yến sào Khánh HòaSAMAI BÊN PHẢIQuảng cáo bên trái dưới 2 (RMIT)CANG DONG NAI
vcci duoi cung ben trai
SAOMAIGROUP DƯỚI PHẢI

Đối tác

  • nha yen nha trang
  • coimex
  • Tà Cú
  • cang dong nai - doi tac
  • xskt sóc trăng