Trang tin điện tử phát triển thương hiệu

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng VN theo hướng nào?

  Chủ Nhật, Ngày 16 Tháng 10, 2011, 11:58
Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng VN theo hướng nào? Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng VN theo hướng nào?

Các ngân hàng thương mại Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng do chất lượng tài sản kém, khó khăn về thanh khoản, lợi nhuận thấp, yếu kém về quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro.

Do vậy, Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra được chương trình tái cơ cấu giúp các ngân hàng không bị rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán và khôi phục lại khả năng cho vay của hệ thống ngân hàng, giúp thúc đẩy nền kinh tế hồi phục.

Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đã ra chỉ thị “cấu trúc lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính theo hướng sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính nhỏ...”. Trong bài viết này, tác giả sẽ phân tích các biện pháp mà các nước trên thế giới đã áp dụng thành công để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc áp dụng.

Vì sao phải tái cấu trúc hệ thống ngân hàng?

Nhiều ngân hàng không phải là vấn đề, vấn đề là chất lượng. Đài Loan vẫn duy trì gần 100 ngân hàng dù chỉ có 20 triệu dân, Indonesia có 121 ngân hàng, Mỹ có tới 6.413 ngân hàng.

Trong 5 năm gần đây nhờ chính sách cởi mở, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tăng trưởng mạnh cả về quy mô tài sản và số lượng ngân hàng. Tính đến ngày 30.12.2010, theo Ngân hàng Nhà nước, tổng tài sản trong hệ thống đã lên tới gần 3,5 triệu tỉ đồng (175 tỉ USD) và dư nợ cho vay ở mức 125 tỉ USD, tương đương với 120% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế (Thái Lan là 100%, Hàn Quốc 80%).

Với tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn rất nhiều so với tăng trưởng GDP (30% năm trong 3 năm từ 2008 đến 2010), các ngân hàng đã tạo ra một lượng cung tiền cực kỳ lớn và hậu quả là lạm phát cao. Các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn rẻ trước đó đã đầu tư tràn lan kém hiệu quả và nợ xấu đang là vấn đề thời sự nhất của ngành ngân hàng.

Nới lỏng chính sách đã làm gia tăng cạnh tranh trong ngành và tăng giá trị sản phẩm dịch vụ cho khách hàng, nhưng không khuyến khích được các ngân hàng phát triển một cách thận trọng. Các ngân hàng đã huy động một khối lượng vốn khổng lồ và tăng trưởng hoạt động tín dụng ồ ạt, trong khi nhiều ngân hàng mới thành lập chưa có đủ chuyên môn, công nghệ cũng như nhân sự tốt để quản lý hiệu quả nguồn vốn và quản lý tốt rủi ro. Đầu tư ngành ngân hàng được coi là hấp dẫn về mặt lợi nhuận, nhưng theo tính toán tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình năm 2010 của 43 ngân hàng chỉ có 13%.

Chúng tôi ghi nhận gần đây trên báo chí đã có nhiều vụ vỡ nợ của doanh nghiệp và cá nhân với tổng giá trị lên tới 13.500 tỉ đồng (650 triệu USD). Để xác định rõ ảnh hưởng của khủng hoảng lên hệ thống ngân hàng, cần phải có sự rà soát độc lập, kỹ lưỡng về tỉ lệ nợ xấu, các khoản cho vay không hiệu quả (Non-Performing Loan - NPL). Chỉ khi thực hiện công tác này mới xác định rõ được mức độ tổn thất vốn và Ngân hàng Nhà nước mới có thể đưa ra các biện pháp phù hợp giúp các ngân hàng thương mại tái cơ cấu lại vốn.

Bất kỳ cuộc khủng hoảng tài chính nào trong lịch sử cũng liên quan đến 4 vấn đề chính trong ngành ngân hàng: (1) chất lượng tài sản kém; (2) thiếu vốn tự có; (3) khó khăn về thanh khoản và (4) yếu kém về quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro. Theo chúng tôi, Chính phủ đặt vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng một cách mạnh mẽ và triệt để lúc này là kịp thời, với những lý do sau đây.

Thứ nhất, nợ xấu và các khoản cho vay không hiệu quả của các ngân hàng Việt Nam theo Ngân hàng Nhà nước ở mức 3,15% tổng dư nợ tại ngày 30/6/2010, tương đương hơn 4 tỉ USD. Tuy nhiên, từ thực tế gần đây về các vụ vỡ nợ tại nhiều địa phương, dự báo tỉ lệ NPL sẽ tăng mạnh. Theo Công ty Truyền thông Tài chính StoxPlus thống kê, dựa trên số liệu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng Việt Nam có 12% dư nợ, tương đương hơn 12 tỉ USD, nằm trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.

Đây là 2 ngành bị ảnh hưởng nặng nhất bởi khủng hoảng kinh tế. Giả sử 1/3 trong tổng dư nợ này có vấn đề, NPL sẽ tăng thêm 4 tỉ USD. Hơn nữa, chỉ riêng Vinashin đang trong quá trình tái cấu trúc đã có tổng công nợ khoảng 4 tỉ USD. Mức công nợ này tương đương với tổng lợi nhuận sau thuế của cả hệ thống ngân hàng Việt Nam trong 3 năm gần đây (2008 - 2010) và chiếm khoảng 4% dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Dĩ nhiên để tính nợ của Vinashin cần phải loại bỏ khoản trái phiếu quốc tế hơn 1,35 tỉ USD và các khoản nợ thương mại.

Theo chúng tôi nếu áp dụng đúng chuẩn mực quốc tế, thì tỉ lệ nợ từ các khoản cho vay không hiệu quả NPL của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay là một ẩn số. Nhìn sang Trung Quốc, nền kinh tế được coi là đang tăng trưởng tốt nhất thế giới, Ngân hàng Credit Suisse vào ngày 12/10/2011 đã nâng dự báo tỉ lệ nợ dưới chuẩn và không hiệu quả của hệ thống ngân hàng lên hơn gấp đôi, từ 5% lên 12% trong vài năm tới và sẽ chiếm khoảng 65-100% vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ngân hàng. Tức là không được tái cấu trúc về vốn hay tăng vốn, các ngân hàng sẽ mất gần hết vốn tự có trong vài năm tới. Tại châu Âu, tổng nợ NPL tại Cộng hòa Ireland là 20% tổng dư nợ. Tại Tây Ban Nha, các ngân hàng đã hạch toán lỗ từ nợ xấu lên đến 9% GDP.

Thứ hai, mặc dù nhiều ngân hàng của Việt Nam đã đạt tỉ lệ đảm bảo vốn tự có tối thiểu (Capital Adequacy Ratio - CAR) trên 8% nhưng trên bình diện chung, tỉ lệ này cũng rất khác nhau giữa các ngân hàng và nhóm ngân hàng. Quan trọng hơn, tỉ lệ này sẽ bị giảm rất nhiều nếu như hạch toán đúng dự phòng cho các khoản nợ NPL. Lý do là chất lượng tài sản suy giảm làm cho chi phí dự phòng gia tăng, làm ăn mòn lợi nhuận lũy kế và từ đó giảm vốn tự có. Theo số liệu của StoxPlus, vốn chủ sở hữu của 43 ngân hàng thương mại (không tính Ngân hàng Phát triển Việt Nam và 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài) là 276.000 tỉ đồng (khoảng 14 tỉ USD) vào thời điểm 30/12/2010.

Giả sử nếu NPL của hệ thống tăng thêm 10 điểm phần trăm, từ mức 3,15% theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước tại ngày 30.6.2011, lên 13,15% và giả sử phải lập dự phòng đầy đủ cho tất cả nợ nhóm 2 đến nhóm 5 thì chi phí sẽ tăng thêm khoảng 10 tỉ USD. Khi đó, vốn chủ sở hữu của hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ chỉ còn 4 tỉ USD. Do đó, việc rà soát cụ thể và chính xác khả năng mất vốn của hệ thống ngân hàng là cấp thiết hơn bao giờ hết và chỉ có thể biết được tình hình tài chính và vốn thực tế của các ngân hàng sau khi thực hiện xong công tác rà soát này.

Thứ ba là vấn đề thanh khoản. Cuộc đua lãi suất gần đây của các ngân hàng đã cho thấy những khó khăn về thanh khoản của hệ thống và đã phản ánh vào mức lãi suất qua đêm lên đến hơn 20% trong đầu tháng 10/2011. Theo biểu đồ đường cong lãi suất huy động tại Việt Nam do StoxPlus thống kê từ số liệu của 4 ngân hàng lớn, các ngân hàng sẵn sàng trả lãi suất ngắn hạn cao hơn lãi suất dài hạn để giải tỏa tạm thời vấn đề thanh khoản.

Tình hình này khiến nhiều người nhớ lại khi Lehman Brothers phá sản vào tháng 10.2008, các ngân hàng không còn tin tưởng nhau nữa và dừng cho vay lẫn nhau hoặc yêu cầu lãi cao, lãi suất LIBOR qua đêm đã tăng lên đến 8%, trong khi lãi suất LIBOR kỳ hạn 6 tháng chỉ có 3%.

Không chỉ là hợp nhất các ngân hàng nhỏ

Nhiều đánh giá trên các phương tiện thông tin đại chúng cho rằng số lượng ngân hàng tại Việt Nam đã quá nhiều so với quy mô của nền kinh tế và một phần của tái cấu trúc là hợp nhất các ngân hàng nhỏ. Việc hợp nhất các ngân hàng nhỏ là cần thiết để tăng năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, nhưng theo tác giả, đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay để tái cơ cấu thành công phải xử lý được 3 vấn đề chính là 1) tình hình nợ xấu tăng nhanh, 2) tỉ lệ vốn chủ sở hữu thấp và 3) thiếu thanh khoản trầm trọng trong hệ thống ngân hàng. Và như thế, không phân biệt ngân hàng lớn hay nhỏ, đều phải đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề này ở từng ngân hàng.

Số lượng ngân hàng là một đề tài khác, nó liên quan đến chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng và phụ thuộc vào chiến lược của mỗi ngân hàng. Thực tế, theo quan sát của chúng tôi, một số ngân hàng quy mô nhỏ tại Việt Nam như Liên Việt Bank vẫn hoạt động hiệu quả. Trên thế giới, một số quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn duy trì hệ thống ngân hàng lớn như Đài Loan chỉ có 20 triệu dân nhưng có gần 100 ngân hàng, Indonesia có 121 ngân hàng. Đặc biệt, Mỹ có tới 6.413 ngân hàng, phần lớn là ngân hàng địa phương phục vụ một cộng đồng, một bang nhất định; còn lại là các ngân hàng lớn phân định rõ hoạt động cốt lõi là ngân hàng đầu tư hoặc ngân hàng bán lẻ.

Kinh nghiệm giải quyết các cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới cho thấy, việc xác định kịp thời và nhanh chóng giải quyết nguồn vốn tự có để bù đắp các khoản nợ xấu, mạnh tay cơ cấu lại, khôi phục lại khả năng cho vay của lĩnh vực ngân hàng là yếu tố thúc đẩy kinh tế nhanh hồi phục.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích 4 nhóm giải pháp chính mà các quốc gia trên thế giới đã áp dụng để giải cứu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Tái cấu trúc về vốn tự có

Mục tiêu chính của nhóm biện pháp này là phải xác định được mức vốn chủ sở hữu thực tế (sau khi đã lập dự phòng đầy đủ cho các khoản cho vay không hiệu quả và giảm giá các tài sản) của hệ thống ngân hàng. Từ đó Chính phủ mới đưa ra được các biện pháp cụ thể, ví dụ như yêu cầu các ngân hàng tăng vốn, hoặc yêu cầu các ngân hàng có mức an toàn vốn thực tế dưới mức tối thiểu phải sáp nhập hoặc giải thể.

Mua lại ngân hàng hay quốc hữu hóa một phần để tăng vốn

Lợi nhuận toàn ngành ngân hàng Việt Nam (tỉ đồng)

Chính phủ có thể đầu tư vào vốn cổ phần của các ngân hàng. Giải pháp này đã được thực hiện tại Mỹ và nhiều nước châu Âu. Khởi đầu là Chính phủ Anh đã mua cổ phiếu RBS với giá 50,5 xu/cổ phiếu, sở hữu 84% ngân hàng này và yêu cầu RBS thực hiện tái cấu trúc, trong đó bao gồm bán đi hết các tài sản không thuộc phạm vi hoạt động cốt lõi. Chính phủ Anh hiện cũng sở hữu 43% Ngân hàng Lloyds. Chính phủ Hà Lan hiện sở hữu Ngân hàng ABN Amro.

Tuy nhiên, việc đầu tư vào các ngân hàng chỉ là tạm thời, chính phủ sẽ bán lại cổ phần cho khối tư nhân khi các ngân hàng này hồi phục. Trước đó, năm 2008, RBS đã lỗ 24,1 tỉ bảng Anh (tương đương 34,2 tỉ USD) do phải hạch toán dự phòng nợ NPL vào chi phí, “ăn” gần hết vốn của RBS. Hậu quả là tỉ lệ an toàn vốn CAR của RBS thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu 8% theo yêu cầu.

RBS có hệ số cho vay/tiền gửi là 163% vào năm 2008, có nghĩa là RBS phải đi vay 63% số vốn trên thị trường liên ngân hàng. Một điểm quan trọng và có thể khác với ở Việt Nam là khi RBS có hệ số CAR rất thấp thì các ngân hàng và định chế tài chính khác sẽ cắt đứt quan hệ tín dụng với RBS. RBS sẽ mất khả năng vay vốn trên thị trường liên ngân hàng do lo ngại số vốn còn lại của RBS không đủ bù đắp các khoản lỗ trong tương lai. Trong tình huống này, RBS mất thanh khoản hoàn toàn và Chính phủ đã phải ra tay.

Chuyển các khoản vay của Ngân hàng Nhà nước sang cổ phần

Theo số liệu báo cáo, tổng các khoản Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại vay vào thời điểm 31.12.2010 là 210.000 tỉ đồng. Nếu không tính các khoản cho các ngân hàng quốc doanh và bán quốc doanh vay, tổng dư nợ cho vay là 87.000 tỉ đồng.

Theo kinh nghiệm của Thái Lan năm 1998, Chính phủ Thái bắt tất cả các ngân hàng phải hạch toán đầy đủ dự phòng nợ xấu vào chi phí (xóa nợ hay writeoff), qua đó giảm vốn chủ sở hữu. Khi đó, các ngân hàng sẽ có vốn chủ sở hữu rất thấp so với trước khi xóa các khoản nợ xấu. Điểm hay của giải pháp này là sau khi writeoff, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng sẽ rất thấp, rất có lợi cho Chính phủ. Ví dụ, nếu trước khi hạch toán vốn của ngân hàng cần tái cấu trúc và 1.000 tỉ đồng, Chính phủ góp thêm vốn 200 tỉ đồng thì chỉ chiếm chưa tới 20%. Tuy nhiên, nếu nợ xấu của ngân hàng này cần writeoff là 800 tỉ đồng thì vốn sau khi điều chỉnh chỉ còn 200 tỉ. Khi đó Chính phủ Thái bơm thêm 200 tỉ đồng vào vốn điều lệ là đã được sở hữu 50% ngân hàng này. Đây là biện pháp rất cứng rắn của Chính phủ Thái Lan trước sức ép của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), những đơn vị tài trợ chính cho cuộc tái cấu trúc này. Nhiều ngân hàng Thái đã phải tự đi tìm đối tác để tăng vốn, thay vì sử dụng vốn của Ngân hàng Trung ương.

Vốn đối ứng

Chính phủ tiến hành rà soát, xác định nhóm ngân hàng “xấu” cần tái cấu trúc và khuyến khích nhà đầu tư từ bên ngoài tham gia. Đây là hình thức đồng tài trợ hay đầu tư. Ví dụ, nếu nhà đầu tư bỏ 1.000 tỉ đồng vào ngân hàng gặp khó khăn, Chính phủ cũng cam kết góp vốn thêm 1.000 tỉ để vực dậy ngân hàng này. Vốn này thường được trích từ các quỹ đặc biệt do Chính phủ lập ra để tái cấu trúc ngành.

Mở rộng tỉ lệ sở hữu nước ngoài trong thời gian nhất định

Đây là biện pháp mà Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng thành công. Một số ngân hàng được tăng hạn mức cho nhà đầu tư nước ngoài lên rất cao, ví dụ 75% (mức hiện tại của Việt Nam là 30%), để nhà đầu tư mới có thể vào kiểm soát và vực dậy ngân hàng trong khoảng thời gian 10 năm. Cổ đông nước ngoài phải cam kết sau thời hạn 10 năm sẽ giảm tỉ lệ sở hữu của họ xuống theo luật định, thông qua việc bán lại cho cổ đông trong nước. Theo chúng tôi, đây là biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước có thể tính đến nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong khoảng thời gian khó khăn nhất định của một nhóm ngân hàng.

Một số ý kiến cho rằng nên cho nước ngoài chi phối các ngân hàng tại Việt Nam để tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu ngành ngân hàng Việt Nam. Theo chúng tôi, điều này sẽ làm gia tăng rủi ro bị chi phối bởi nước ngoài trong ngành huyết mạch này của nền kinh tế, dẫn đến hậu quả rất to lớn.

Giải quyết vấn đề thanh khoản

Ở nhóm biện pháp này, Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra cơ chế thanh khoản đặc biệt và dùng các giao dịch phi tiền mặt như bảo lãnh các khoản vay trên thị trường liên ngân hàng để tạo sự tin tưởng khi các ngân hàng cho vay lẫn nhau. Nhưng không phải bảo lãnh suông hay ngầm mà Ngân hàng Nhà nước sẽ công khai tính phí bảo lãnh rất cao nhằm cứu các ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản. Biện pháp này đã từng được áp dụng ở Việt Nam qua trường hợp của Ngân hàng Nam Đô, sau đó được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mua lại vào năm 1998.

Ngoài ra, để giải quyết thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước có thể cho vay dưới hình thức trái phiếu có bảo đảm. Ví dụ, một ngân hàng thương mại muốn vay Ngân hàng Nhà nước 1.000 tỉ đồng thì phải tìm được các khoản vay tốt (có giá trị cao hơn 1.000 tỉ đồng) và gói lại thành các trái phiếu. Ngân hàng Nhà nước sẽ mua trái phiếu có bảo đảm bằng dòng tiền từ các khoản vay tốt này với giá chiết khấu, ví dụ 80%. Lúc đó, khoản vay được đảm bảo bởi dòng tiền của các khoản vay tốt này. Với hình thức này, ngân hàng sẽ có vốn hoạt động và Ngân hàng Nhà nước có được sự an toàn trong việc cho các ngân hàng thương mại vay.

Cải thiện lòng tin vào hệ thống ngân hàng

Chính phủ có thể quyết định nâng mức bảo hiểm tiền gửi để gia tăng lòng tin của công chúng. Ở Việt Nam, mức bảo hiểm tiền gửi tối đa hiện tại là 50 triệu đồng và đã có một số ý kiến nâng mức bảo hiểm này. Ví dụ, Chính phủ Anh đã tăng mức bảo hiểm tiền gửi tối đa từ 35.000 bảng (55.000 USD) lên 85.000 bảng (135.000 USD) sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Tại Philippines, mức bảo hiểm tiền gửi là 500.000 peso (12.000 USD).

Ngoài ra, giải pháp tốt nhất để có được lòng của công chúng là minh bạch hóa thông tin và thể hiện một kế hoạch tái cấu trúc mạnh mẽ, quyết liệt. Câu chuyện minh bạch này rất giống với thông điệp của Ủy ban An toàn Giao thông Úc: “Hãy để các đối tượng tham gia giao thông biết được những rủi ro có thể diễn ra trên đường để họ không bị bất ngờ. Còn tham gia giao thông là việc họ sẽ phải làm hàng ngày”.

Các giải pháp chính sách

Nhóm giải pháp chính sách, bao gồm cải thiện môi trường kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro… là các giải pháp mang tính lâu dài và đòi hỏi sự đồng bộ. Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng muốn thành công phải tái cấu trúc cả hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhà nước, các vấn đề mất cân đối về kỳ hạn cho vay và huy động... Đây là những câu hỏi rất hóc búa trong mọi chương trình cải tổ, bởi nó không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật tài chính. Bài viết không đi sâu vào các vấn đề này.

Bắt đầu từ đâu?

Để thực hiện các biện pháp trên, điều kiện cơ bản là phải xác định một cách rõ ràng và chính xác mức độ mất vốn của ngân hàng trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Và con số này phải được đưa ra từ các cuộc rà soát đặc biệt với nhiều chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế, chứ không phải con số trên sổ sách kế toán do các ngân hàng báo cáo.

Ngân hàng Nhà nước cần rà soát kỹ lưỡng tỉ lệ nợ xấu và mức dự phòng rủi ro tín dụng trước khi đưa ra bất kỳ chương trình tái cấu trúc nào. Để đẩy nhanh công tác tái cấu trúc ngân hàng, theo chúng tôi, Ngân hàng Nhà nước trước hết phải có biện pháp mạnh yêu cầu ngân hàng thương mại phân loại nợ xấu nhanh và chính xác. Càng trì hoãn công việc này sẽ càng làm trì hoãn chương trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng.

Ví dụ ở Thái lan, để giải quyết cuộc khủng hoảng năm 1997, Ngân hàng Trung ương Thái (BOT) đã siết chặt quy định về phân loại nợ và chuẩn mực kế toán về lập dự phòng rủi ro tín dụng. BOT đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phân loại tất cả các khoản vay quá hạn lãi hoặc gốc 3 tháng thành các khoản cho vay không hiệu quả. Kết quả là tỉ lệ NPL tăng lên đến 45% và hàng loạt ngân hàng thiếu vốn hoặc rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán (tổng công nợ lớn hơn tổng tài sản), phải tái cấu trúc.

Giải quyết nợ xấu và thanh lý các tài sản không nằm trong hoạt động cốt lõi

Đường cong lãi suất huy động tại Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu mô hình cho phép các ngân hàng có nợ xấu cao tách biệt hoạt động thành 2 pháp nhân khác nhau: “ngân hàng tốt” và “ngân hàng xấu”. Ngân hàng xấu sẽ tập trung giải quyết triệt để các khoản nợ này, còn ban lãnh đạo ngân hàng có thể tập trung phát triển hoạt động cho vay mới có hiệu quả ở “ngân hàng tốt”. Các khoản nợ NPL sẽ được chuyển sang “ngân hàng xấu” theo mức giá sau khi đã được lập dự phòng đầy đủ. Việc tách biệt giữa “ngân hàng tốt” và “ngân hàng xấu” đã được nhiều nước áp dụng thành công, như Ngân hàng Northern Rock tại Anh và nhiều ngân hàng khác ở Mỹ và châu Âu.

Trước đây, Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng đã khuyến khích các ngân hàng thương mại thành lập các công ty quản lý nợ và tài sản xấu (gọi tắt là AMC) để thúc đẩy Chương trình Tái cơ cấu Ngân hàng cuối thập niên 1990. Theo chúng tôi hiểu, mô hình AMC trước đây cũng đã được áp dụng thử ở Ngân hàng Công Thương thời khủng hoảng Epco - Minh Phụng năm 2001- 2002 nhưng không được áp dụng triệt để.

Rà soát chất lượng tài sản: Không chỉ có tín dụng cho vay

Theo số liệu hợp nhất của 43 ngân hàng thương mại, tổng dư nợ cho vay khách hàng chỉ chiếm chưa đến 60% trong tổng tài sản 175 tỉ USD của các ngân hàng này. 40% còn lại tương đương khoảng 70 tỉ USD thì phần lớn là đầu tư chứng khoán, trong đó có trái phiếu (25 tỉ USD) và cho các ngân hàng thương mại khác vay (31 tỉ USD). Số dư 70 tỉ USD gấp 4,3 lần tổng vốn chủ sở hữu.

Thực tế, theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều ngân hàng dùng các cơ chế như trái phiếu, đầu tư ủy thác qua hoạt động quỹ đầu tư để hạch toán các khoản tài trợ mang bản chất tín dụng và đầu tư vào cổ phiếu. Do đó, chất lượng tín dụng cần được đánh giá tổng thể hơn bao gồm cả đầu tư tài chính, các khoản khác trên bảng cân đối tài sản và các tài khoản ngoại bảng, thay vì chỉ có dư nợ khách hàng.

Thành lập Ban Tái cấu trúc Quốc gia về hệ thống ngân hàng

Khi đã xác định được mức vốn thực của các ngân hàng thương mại sau khi bù đắp các khoản thiệt hại về nợ xấu và dự phòng, Ngân hàng Nhà nước có thể yêu cầu các ngân hàng tăng vốn hoặc sáp nhập với nhau để đạt được mức vốn tối thiểu đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh ngân hàng theo các giải pháp đã phân tích ở trên.

Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc và thành lập “Ban Tái cấu trúc Ngân hàng”. Theo tác giả, mục tiêu của ban này là 1) yêu cầu các ngân hàng có vấn đề về vốn tự có phải tăng vốn hay sáp nhập; 2) cung cấp bảo lãnh cho các khoản vay liên ngân hàng; 3) lập quỹ tái cấu trúc và đầu tư vào các ngân hàng khi không tự tăng được vốn; 4) đề xuất lên chính phủ về việc nới lỏng tỉ lệ sở hữu nước ngoài cho một số ngân hàng và 5) đưa ra khung pháp lý để các ngân hàng có thể mua bán nợ NPL.

Khi có quỹ tái cấu trúc, Ngân hàng Nhà nước có thể mua cổ phần của các ngân hàng có mức vốn dưới tỉ lệ an toàn. Vào cuối những năm 1990, Ngân hàng Trung ương Thái - BOT đã lập quỹ tương tự. BOT khuyến khích các ngân hàng hợp nhất bằng cách cung cấp vốn đối ứng cho bên mua và đứng ra bảo lãnh khoản lỗ từ danh mục nợ xấu (sau khi đã lập đầy đủ dự phòng) trong các năm hoạt động đầu tiên. BOT còn cung cấp vốn cho các ngân hàng dưới dạng vốn cổ phần thông thường và vốn cổ phần ưu đãi. Các ngân hàng có quyền mua lại vốn đầu tư của BOT với giá gốc cộng với chi phí vốn.

Ngoài ra, để đẩy mạnh việc cải tổ hệ thống ngân hàng, Chính phủ cần cân nhắc thực hiện đồng bộ chương trình cải cách khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước để giải quyết các khoản nợ xấu đang treo lơ lửng, tạo ra một khối doanh nghiệp mạnh, từ đó khôi phục lại sức mạnh của hệ thống tài chính.

(*) Harry Hoàn Trần, CFA, hiện là cố vấn về quản lý rủi ro cho Ngân hàng Lloyds tại London, có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Anh, Thụy Sĩ, Úc, Nhật và từng tham gia thực hiện dự án tái cấu trúc Ngân hàng Công Thương do Ngân hàng Thế giới tài trợ năm 2001.

Thuân Nguyễn, FCCA, là sáng lập viên và Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Tài chính StoxPlus


Nguồn NCĐT

Từ khóa:

Bài viết liên quan

au vung ben phai.tren cung
nha mat

TỶ GIÁ NGOẠI TỆ - VÀNG

  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
Yến sào Khánh HòaSAMAI BÊN PHẢIQuảng cáo bên trái dưới 2 (RMIT)CANG DONG NAI
vcci duoi cung ben trai
SAOMAIGROUP DƯỚI PHẢI

Đối tác

  • nha yen nha trang
  • coimex
  • Tà Cú
  • cang dong nai - doi tac
  • xskt sóc trăng