Trang tin điện tử phát triển thương hiệu

Doanh nhân Việt Nam với khát vọng hòa bình, hội nhập và thịnh vượng

  Thứ Ba, Ngày 8 Tháng 10, 2019, 7:53
Doanh nhân Việt Nam với khát vọng hòa bình, hội nhập và thịnh vượng

rong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2014 – 13/10/2019), VCCI đã tổ chức Diễn đàn doanh nhân Việt Nam 2019 “Tổ quốc gọi tên mình” với chủ đề “Việt Nam 2045 - Khát vọng hùng cường và sứ mệnh của doanh nhân” tại Đà Nẵng vào ngày 05/10/2019 với sự tham dự của trên 1.000 doanh nhân trên toàn quốc. Tạp chí Vietnam Business Forum xin trích đăng toàn văn bài phát biểu của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế” tại Diễn đàn này:

  • Kính thưa Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng,
  • Thưa các đồng chí lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ ngành Trung ương và các địa phương
  • Thưa các nhà doanh nghiệp, các đồng chí đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí,
  • Thưa các đồng chí và các bạn

Sáng sớm nay, trên 1.000 doanh nhân từ khắp mọi miền Tổ quốc vừa trải qua thời khắc xúc động, sum vầy bên tượng đài Mẹ, nhớ về Mẹ Âu Cơ, chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca và hướng ra biển lớn với khát vọng Hòa bình, Hội nhập và Thịnh vượng cho Đất nước. Và bây giờ, các doanh nhân lại cùng các vị quý khách có mặt tại Diễn đàn doanh nhân Việt Nam 2019 “Tổ quốc gọi tên mình” với chủ đề: “Việt Nam 2045- Khát vọng hùng cường và sứ mệnh của doanh nhân”.

Chúng tôi chân thành cảm ơn Phó Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ban, Bộ, ngành Trung ương, và các địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí đã về dự Diễn đàn.

Thưa các đồng chí !

Trong giờ phút xúc động này, chúng ta nhớ Bác Hồ, nhớ 74 năm về trước, sau ngày Quốc khánh, ngày 13/10/1945, khi nghe tin các công thương gia nhóm họp, thành lập Công Thương cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ đã viết thư động viên, cổ vũ. Bức thư chưa đầy 200 chữ của Người đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và nhà nước ta xác định vai trò và sứ mệnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Bác bảo: “Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”. Bác kêu gọi các nhà công thương nghiệp hãy “mau mau gia nhập Công Thương cứu quốc đoàn cùng đem vốn vào làm công cuộc ích nước lợi dân”.

Hơn 7 thập kỷ đã qua, nhưng những khẳng định của Bác về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho Đất nước và lời kêu gọi doanh nghiệp, doanh nhân mau mau đem vốn vào làm những công cuộc ích nước, lợi dân… vẫn còn nguyên giá trị. Bác vẫn đang cùng chúng cháu hành quân.

Theo đề nghị của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp, năm 2004, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm - ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương - làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đây cũng có thể coi là ngày khai sinh của cộng đồng doanh nhân Việt Nam trong thời đại mới. Và chỉ hơn một tuần nữa là đội ngũ doanh nhân còn non trẻ của chúng ta bước vào độ tuổi trăng tròn.

Hành trình 15 năm và xa hơn là hơn 3 thập kỷ qua, kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi Mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đội ngũ doanh nhân Việt - những người lính thời bình - đã có những đóng góp xứng đáng vào công cuộc đưa hàng chục triệu người thoát khỏi nghèo đói – một trong những công cuộc thoát nghèo vĩ đại nhất của thế giới đương đại, và hôm nay, đang đứng trước sứ mệnh của đội quân xung kích xây dựng đất nước mạnh giàu, sánh vai các cường quốc năm châu.

Trong bối cảnh hiện nay, sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, và trên mặt trận kinh tế thì doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ công. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đại hội có nhiệm vụ xác định tầm nhìn 2045, chiến lược 2030 và kế hoạch phát triển cho thời kỳ 2021-2025, với khát vọng Việt Nam sẽ hoàn thành công nghiệp hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045, đúng tròn 100 năm chúng ta kỷ niệm ngày độc lập…

Từ hành trình “thoát nghèo” tới hành trình “vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình” và trở nên giàu có đòi hỏi những cố gắng, nỗ lực vượt trội về thể chế, về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Muốn “vượt bẫy thu nhập trung bình” phải vượt “bẫy chất lượng thể chế (kinh tế) trung bình”. Doanh nghiệp giữ vai trò động lực trong quá trình này. Doanh nhân cần chung tay với Đảng và nhà nước trong những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cuộc vận động: “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện thể chế, chính sách” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phát động và các hoạt động đối thoại, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là cơ hội quý để doanh nhân hiến kế với Đảng và nhà nước.

Hưởng ứng cuộc vận động này, tôi đề nghị, các hiệp hội doanh nghiệp triển khai phong trào “Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân 1 sáng kiến” để góp phần thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Đồng thời các doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cấp mình và chia sẻ, lan tỏa những kinh nghiệm tốt, những điển hình hay để phát triển bền vững và cạnh tranh thắng lợi vì “màu cờ, sắc áo Việt Nam”. Đổi mới thể chế và nâng cấp doanh nghiệp phải là hai nhiệm vụ song hành.

Doanh nghiệp Việt phải phát triển bền vững, phải nhân văn, phải kinh doanh có trách nhiệm, đồng thời phải đổi mới và sáng tạo.

Hơn 3 thập kỷ qua, lứa doanh nhân đầu tiên của thới kỳ Đổi Mới - lứa doanh nhân dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám xông pha đã hoàn thành sứ mệnh của mình, góp phần đưa đất nước thoát nghèo. Giờ đây, trọng trách đưa đất nước vượt bẫy thu nhập trung bình và trở nên hùng cường thuộc về lứa doanh nhân khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo không chỉ là yêu cầu của các doanh nghiệp mới mà còn là yêu cầu của các doanh nghiệp đã trưởng thành với những mái đầu doanh nhân đã không còn xanh nữa. Mãi mãi khởi nghiệp là tinh thần của các doanh nhân.

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang nghe “Tổ quốc gọi tên mình”.

Chúng ta hy vọng Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách lần thứ 2 tạo hệ sinh thái cho sự bừng nở của lứa doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo.

Từ tầm nhìn Việt Nam hùng cường 2045, hôm nay, chúng ta sẽ thảo luận với nhau về diện mạo của đội ngũ doanh nhân Việt cho chặng đường 25-30 năm tới, khuyến nghị chính sách và hành trang cần có của các doanh nhân. “Tổ quốc gọi tên mình”. Mỗi doanh nhân hãy góp phần làm giàu cho đất nước, không chỉ bằng lòng với “giấc mơ nho nhỏ” riêng cho gia đình mình và doanh nghiệp mình. “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng” (theo cách nói của Bác Hồ) phải là mục tiêu, là đích đến của mỗi doanh nhân.

Sau 1/3 thế kỷ đổi mới, chúng ta đã có một đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đông đảo. Đó không chỉ là trên 700.000 doanh nghiệp theo quan niệm của Luật Doanh nghiệp mà còn bao gồm cả trên 5 triệu hộ kinh doanh (trong đó có 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký). Xét về bản chất kinh tế, đó là những thực thể kinh doanh trong nền kinh tế - là doanh nghiệp theo quan niệm phổ biến của các nền kinh tế thị trường.

Nếu từ góc nhìn như vậy, chúng ta có thể thấy rằng: xét về số lượng doanh nghiệp trên đầu dân, chúng ta không thua kém các nền kinh tế thị trường khác trong khu vực. Nhưng điều đáng nói là về chất lượng: chúng ta chưa đạt chuẩn mực trung bình  trong tương quan so sánh với ASEAN. Chúng ta đã có những doanh nhân hàng đầu, những thương hiệu lớn, cạnh tranh ngang ngửa với thế giới, nhưng số đó còn quá ít ỏi. Chúng ta có những doanh nhân riêng lẻ có sức cạnh tranh cao nhưng chưa có được cả một thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh và các nhà công nghiệp sánh vai cùng thiên hạ, đặc biệt các doanh nghiệp Việt khó kết nối với nhau và các chuỗi giá trị toàn cầu. Kết quả xếp hạng chất lượng quản trị trung bình theo thẻ điểm quản trị của ASEAN của các doanh nghiệp niêm yết - bộ phận minh bạch nhất trong nền kinh tế - chúng ta xếp thứ 6 trong số 6 nền kinh tế được so sánh trong ASEAN. Năng lực doanh nghiệp theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới chúng ta cũng mới chỉ được xếp ở hạng ở hạng trung bình, công nghệ sử dụng và năng suất lao động chúng ta cũng chưa cao so với các nước trong khu vực.

Vì vậy, nâng cấp doanh nghiệp đang trở thành yêu cầu bức thiết ở Việt Nam. Các định hướng và nỗ lực của chương trình quốc gia phát triển doanh nghiệp do vậy không chỉ cần tập trung vào số lượng doanh nghiệp mà quan trọng hơn là phải tập trung vào nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Chúng ta hy vọng, dự Luật doanh nghiệp sửa đổi lần này đang được Chính phủ trình Quốc hội sẽ thúc đẩy trọng tâm ưu tiên này sẽ tăng cường quản trị và thúc đẩy hành trình minh bạch hóa và nâng cấp doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh.

Trong định hướng nâng cấp doanh nghiệp, phát triển bền vững và chuyển đổi số là hai đường ray chính. Doanh nghiệp phát triển phải hiệu quả, phải nhân văn, phải vì cộng đồng, phải thân thiện với môi trường. Chiến lược phát triển của doanh nghiệp phải coi phát triển bền vững là nền tảng, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số là động lực. Nói một cách hình tượng thì với các doanh nghiệp của thời đại mới: “phát triển bền vững ở trong tim” và “đổi mới, sáng tạo ở trên đầu”. Doanh nghiệp phải phát triển bền vững, phải quốc tế hóa và số hóa để trở thành công dân có trách nhiệm và tham gia có hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu. Không ai đứng ngoài cuộc cách mạng này, bất kể là doanh nghiệp thuộc quy mô lớn hay vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ mà kinh doanh bền vững sẽ thành công, doanh nghiệp lớn mà ăn sổi, ở thì sẽ thất bại.

Với nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hôm nay, VCCI ký thỏa thuận hợp tác với VNPT triển khai chương trình quốc gia về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, trong đó rất chú trọng các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Vì đó chính là “ngôi sao hy vọng” và là “xương sống” của mỗi nền kinh tế, là chủ thể cho sự nghiệp phát triển sáng tạo, bao trùm, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Chúng tôi cũng đang triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong hành trình phát triển bền vững với việc phổ biến rộng khắp bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI) và các mô hình kinh doanh mới: kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, doanh nghiệp xã hội .v.v. Đây cũng là những hoạt động trọng tâm của VCCI trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, các chương trình hành động của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân và nền kinh tế số. 

Phát huy tinh thần dân tộc quật cường là sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt. Chúng tôi cảm ơn Bộ Chính trị đã chỉ đạo và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” làm điểm tựa và hậu thuẫn trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt. Nhưng chúng ta cũng hiểu sâu sắc rằng, cuộc vận động này cần phải được song hành và cộng hưởng với cuộc vận động “Hàng Việt Nam chinh phục Người Việt Nam và thế giới” do Thủ tướng chỉ đạo và VCCI phát động.

Mới đây, theo đề xuất của VCCI, Thủ tướng cũng đã phát động “Phong trào Năng suất Việt Nam” để tiếp lửa cho cuộc vận động này. Chúng tôi mong các doanh nghiệp hãy coi các cuộc vận động này là Phong trào thi đua yêu nước tiêu biểu của các doanh nhân trong thời đại mới.

Để thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp, chúng tôi cũng chính thức phát động hôm nay, cuộc thi sáng tác bài hát về doanh nghiệp, doanh nhân để lựa chọn “doanh nhân ca” của nước ta. Tôi cũng chính thức đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân chung tay cùng chúng tôi biên soạn 2 cuốn sách quan trọng cho đội ngũ doanh nhân: “1001 câu chuyện về cải cách” và “1001 câu chuyện về khởi nghiệp” của các thế hệ doanh nhân Việt để giữ lửa và truyền nghề kinh doanh cho các thế hệ hôm nay và mai sau, góp phần xây dựng triết lý và văn hóa doanh nhân của nước nhà. Chúng tôi hoan nghênh Hội đồng doanh nhân gia đình Việt Nam, Câu lạc bộ CEO chìa khóa thành công và Alphabook đã là những đối tác đầu tiên tham gia xây dựng bộ sách này và rất mong sẽ được sự chung tay của tất cả anh, chị em doanh nhân cả nước.

Thưa các đồng chí, các quý vị và các bạn,

Trên bờ biển Đà Nẵng đầy nắng, đầy gió, hướng về biển đảo quê hương, đội ngũ doanh nhân Việt Nam hôm nay lắng nghe “Tổ quốc gọi tên mình”, quyết đem tất cả trái tim và khối óc góp phần xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng và hùng cường, như Bác Hồ hằng mong mỏi.

Chúng ta hiểu sâu sắc rằng thịnh vượng là con đường mang lại hạnh phúc cho nhân dân, và thịnh vượng cũng là cội nguồn của sức mạnh trong thời hội nhập, là sức mạnh bảo vệ vững chắc hòa bình và chủ quyền của đất nước thân yêu của chúng ta. 

Hôm nay, chúng ta tổ chức sinh nhật đội ngũ doanh nhân Việt Nam lần thứ 15 tại Đà Nẵng - thành phố trên tuyến đầu đất nước trong hội nhập cũng như trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền với sự kiện hội ngộ và diễn đàn có ý nghĩa này. Sang năm, ngày sinh nhật thứ 16, ngày tết hội ngộ doanh nhân và diễn đàn doanh nhân 2020 sẽ được tổ chức ở Quảng Ninh – thành phố của của đổi mới, sáng tạo – chiếc nôi cải cách của đất nước. Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Ninh đã đăng ký đăng cai sự kiện này. Hoan hô Quảng Ninh và hẹn gạp tại Quảng Ninh.

Xin chúc đội ngũ doanh nhân của chúng ta thành công !

Xin chân thành cảm ơn các đồng chí và quý vị.

Từ khóa:

Bài viết liên quan

au vung ben phai.tren cung
nha mat

TỶ GIÁ NGOẠI TỆ - VÀNG

  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
Yến sào Khánh HòaSAMAI BÊN PHẢIQuảng cáo bên trái dưới 2 (RMIT)CANG DONG NAI
vcci duoi cung ben trai
SAOMAIGROUP DƯỚI PHẢI

Đối tác

  • nha yen nha trang
  • coimex
  • Tà Cú
  • cang dong nai - doi tac
  • xskt sóc trăng