Trang tin điện tử phát triển thương hiệu

Luật Bảo vệ môi trường: Thiếu cơ chế đảm bảo thi hành

  Thứ Tư, Ngày 21 Tháng 9, 2011, 4:49
Luật Bảo vệ môi trường: Thiếu cơ chế đảm bảo thi hành Luật Bảo vệ môi trường: Thiếu cơ chế đảm bảo thi hành

Một trong những hạn chế lớn nhất của hệ thống pháp luật môi trường hiện nay ở Việt Nam là thiếu một cơ chế bảo đảm thi hành có hiệu quả. Phân tích của TS Phạm Văn Võ, đại học Luật TP.HCM về những nguyên nhân của thực trạng này và cùng với đó là gợi ý giải pháp khắc phục.

Quyền người dân chưa được đảm bảo

Các con kênh, rạch xung quanh khu công nghiệp Tân Tạo (TP.HCM) luôn trong tình trạng sóng sánh đen. Ảnh: Đoàn Quý

 

Về tổng thể, các văn bản quy phạm pháp luật vể môi trường hiện nay vẫn chưa được thiết kế một cách hệ thống, đồng bộ dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo gây khó khăn cho việc áp dụng. Bảo vệ môi trường (BVMT) chính là bảo vệ các yếu tố môi trường và nội dung này đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành ở nhiều thời điểm khác nhau, bởi nhiều cơ quan khác nhau (nên nhiều khi cũng… khác nhau). Đồng thời, nó cũng được quy định trong luật BVMT 2005. Lẽ ra, luật BVMT chỉ nên đưa ra những quy định mang tính nguyên tắc như là sợi dây kết nối các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản, nước, rừng… thay vì quy định cụ thể, trùng lặp.

Nhiều quy định của pháp luật môi trường trong thời gian qua chỉ tồn tại trên giấy. Ví dụ: vấn đề thu phí bảo vệ môi trường đối với các phương tiện giao thông cơ giới đã được quy định tại luật BVMT cũ (luật 1993) nhưng cho đến khi luật này hết hiệu lực thì việc thu phí vẫn chưa được triển khai áp dụng. Mặc dù cho đến nay, luật BVMT mới (luật 2005 hiện hành) đã ban hành được ba năm nhưng có rất nhiều những quy định trong luật này vẫn chưa được triển khai thực hiện như vấn đề thu hồi, xử lý sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ.

Luật BVMT 2005 đã có quy định cụ thể về sự tham gia của người dân trong đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư nhưng đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, mặc dù sự ảnh hưởng đến môi trường là rộng lớn hơn nhưng lại chưa có quy định tương tự..

Quyền tiếp cận thông tin về môi trường của người dân và vấn đề thực hiện dân chủ cơ sở về môi trường tuy đã được quy định từ điều 102 đến điều 105 của luật BVMT 2005, nhưng những quy định này còn chưa đầy đủ. Nhiều thông tin rất cần cho việc kiểm tra, giám sát, khiếu nại, tố cáo hoặc có liên quan đến quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân như: báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, thông tin về hiện trạng môi trường, hồ sơ xử lý từng vụ việc vi phạm… lại không có trong danh mục những thông tin phải công khai.

Quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường gây ra chưa phản ánh được những nét đặc thù của nó về thời hiệu khởi kiện, nghĩa vụ chứng minh thiệt hại và quyền khởi kiện tập thể.

Bất cập với địa giới hành chính

Việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường vẫn chưa bảo đảm phù hợp với tính thống nhất của môi trường về không gian cũng như về mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố môi trường. Về không gian, môi trường không thể bị chia cắt bởi địa giới hành chính nên trên nguyên tắc, phải có sự phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương, sự phối hợp giữa các địa phương một cách phù hợp. Song, thẩm quyền quản lý nhà nước về môi trường hiện nay vẫn xác định theo địa giới hành chính, thiếu thể chế mang tính liên vùng, vai trò của Trung ương trong điều phối sự phối hợp giữa các địa phương còn mờ nhạt.

Với sự ra đời của bộ Tài nguyên và môi trường, việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước cho các cơ quan quản lý chuyên ngành có xu hướng tập trung vào một vài đầu mối. Tuy nhiên, hiện nay bộ Tài nguyên và môi trường mới chỉ quản lý về BVMT và các yếu tố môi trường như đất đai, nước, khoáng sản, biển và công tác khí tượng thuỷ văn. Rừng, thuỷ sản hiện nay vẫn thuộc thẩm quyền quản lý của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tài nguyên nước hiện thì vẫn có sự nhập nhằng giữa bộ Tài nguyên và môi trường với tư cách là cơ quan quản lý chuyên ngành đối với nguồn nước, và bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với tư cách là cơ quan quản lý chuyên ngành về thuỷ lợi…

Chế tài chưa đủ nghiêm khắc

Dù có là thần thánh thì các cơ quan quản lý cũng không thể phát hiện hết những hành vi vi phạm, đó là chưa nói đến việc kiểm tra giám sát là rất tốn kém. Do vậy để ngăn chặn hành vi vi phạm, vấn đề mấu chốt là chế tài nghiêm khắc để các chủ thể không dám vi phạm, tránh tình trạng chủ động vi phạm và chấp nhận nộp phạt. Phát hiện vi phạm đã khó, biện pháp xử lý đối với chúng lại mang tính hình thức nên chưa đủ sức răn đe, thiếu nhất quán nên tạo ra các tiền lệ xấu. Hầu hết những hành vi vi phạm pháp luật về BVMT hiện nay chỉ có thể xử lý hành chính. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự rất khó áp dụng vì chủ thể thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật môi trường dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hiện nay là các doanh nghiệp, nhưng bộ luật Hình sự chỉ quy định về việc truy cứu trách nhiệm đối với cá nhân. Cũng theo quy định của bộ luật Hình sự, hầu hết những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn tái phạm. Điều này không chỉ gây trở ngại trong việc truy cứu trách nhiệm với cá nhân thực hiện hành vi mà gần như loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với lãnh đạo doanh nghiệp, vì nếu xử phạt vi phạm hành chính thì là xử phạt doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp lại không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khó đòi bồi thường thiệt hại

Trong bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường gây ra, chủ thể bị thiệt hại có thể là Nhà nước (thiệt hại gây ra cho những yếu tố môi trường chung), nhưng ai sẽ là người đại diện cho Nhà nước để yêu cầu bồi thường thiệt hại? Theo quy định của luật BVMT 2005 thì đó chính là cơ quan quản lý chuyên ngành về môi trường ở địa phương nhưng theo quy định của pháp luật thì sở Tài nguyên và môi trường không phải là cơ quan quản lý nhà nước mà chỉ là cơ quan tham mưu giúp việc cho uỷ ban nhân dân tỉnh nên không đủ tư cách khởi kiện. Đến Nhà nước cũng khó xài quyền đi kiện của mình!

Thực tế này còn do quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường gây ra chưa phản ánh được những nét đặc thù của nó.

Đối với thiệt hại gây ra cho tài sản, tính mạng sức khoẻ của tổ chức, cá nhân, số người bị thiệt hại có thể lên đến hàng trăm ngàn. Pháp luật về tố tụng dân sự hiện hành không cho phép họ được khởi kiện tập thể. Và nếu cả hàng trăm ngàn người đều phải từng người nộp đơn khởi kiện tại toà thì không biết là toà mất bao nhiêu thời gian để đọc hết số lượng đơn khổng lồ như vậy?

TS Phạm Văn Võ

Từ khóa:

Bài viết liên quan

au vung ben phai.tren cung
nha mat

TỶ GIÁ NGOẠI TỆ - VÀNG

  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
Yến sào Khánh HòaSAMAI BÊN PHẢIQuảng cáo bên trái dưới 2 (RMIT)CANG DONG NAI
vcci duoi cung ben trai
SAOMAIGROUP DƯỚI PHẢI

Đối tác

  • nha yen nha trang
  • coimex
  • Tà Cú
  • cang dong nai - doi tac
  • xskt sóc trăng