Trang tin điện tử phát triển thương hiệu

Tiếng nói của khu vực tư nhân song hành với hành động của Chính quyền

  Thứ Sáu, Ngày 26 Tháng 4, 2019, 7:40
Tiếng nói của khu vực tư nhân song hành với hành động của Chính quyền

Với niềm tin “tiếng nói của khu vực tư nhân và hành động của chính quyền” luôn là mối quan hệ mật thiết song song, Chủ tịch VCCI - TS Vũ Tiến Lộc kỳ vọng vào những kết quả tích cực đối với quá trình phát triển của cộng đồng doanh nghiệp cũng như cải cách kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Nhân kỷ niệm 56 năm ngày thành lập VCCI (27/4/1963- 27/4/2019), phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc xung quanh vấn đề này. Lan Anh thực hiện.

Thưa ông, một trong những “hàn thử biểu” của cải cách, “thước đo” nỗ lực của chính quyền địa phương chính là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI phối hợp nghiên cứu. Ông đánh giá thế nào về tác động của PCI đối với sự thay đổi của môi trường kinh doanh tại các địa phương, nhất là trong năm vừa qua?

Bây giờ thì chúng ta đã quen với những tầm nhìn và thông điệp: Khu vực tư nhân là động lực quan trọng, kinh tế tư nhân là chìa khóa cho sự phát triển bền vững và tự chủ của nền kinh tế, phải tận tâm, tận lực phát triển kinh tế tư nhân… Nhưng 14 năm trước đây, khi chúng ta mới bắt đầu hành trình PCI thì đó là những điều xa lạ.

PCI là thể chế ở cấp địa phương - một trong ba mũi đột phá cho tăng trưởng: Thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. PCI đã được ghi vào Nghị Quyết của Chính phủ Việt Nam, trở thành chương trình hành động cho công cuộc cải cách ở cơ sở. PCI chỉ ra dư địa và lan toả những mô hình cải cách. PCI như ngọn hải đăng cho công cuộc cải cách ở các địa phương.

PCI 2018 đã có những cải thiện đáng kể so với những năm trước đây. Tỉnh trung vị đã đạt điểm số PCI 61,76 điểm, cao nhất trong hơn một thập kỷ qua, kể từ khi bắt đầu tiến hành PCI. Điểm trung vị tăng lên và xu hướng hội tụ điểm số PCI giữa các các tỉnh, thành phố đi sau với các tỉnh, thành phố dẫn đầu đã cho thấy sức lan toả và bao trùm hơn trong nỗ lực cải cách và nâng cao năng lực điều hành kinh tế ở các địa phương. Dàn nhạc cải cách ở các địa phương đã đồng thanh, đồng điệu hơn.

Các xu hướng nổi bật đáng mừng của năm 2018 là: Chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham những vặt đã giảm rõ rệt so với thời kỳ trước. Môi trường kinh doanh cũng trở nên bình đẳng hơn. Việc ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp tư nhân trong nước đã giảm đáng kể. Các cấp chính quyền tỉnh nhìn chung đã trở nên năng động và sáng tạo hơn. Cải cách hành chính tiếp tục có bước tiến. Đặc biệt việc thanh tra, kiểm tra trùng lặp đã giảm đáng kể so với mấy năm trước. Đó là các tín hiệu cho thấy các nỗ lực cải cách hành chính và chống tham nhũng đã phát huy tác dụng.

Mức độ lạc quan và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh vẫn được duy trì ở mức tương đối cao. 49,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh. 42,4% doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì quy mô hiện tại. Chỉ có 8,3% dự kiến giảm quy mô sản xuất kinh doanh hoặc đóng cửa (riêng đối với FDI thì tỷ lệ có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh cao hơn đạt tới 56%).

Bức tranh tổng thể của môi trường kinh doanh được đánh giá là tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp. Ông có thể cho biết những vấn đề nổi cộm hiện nay?

Cho dù có nhiều tích cực nhưng môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều điểm đáng quan ngại. Đó là chi phí không chính thức giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Theo báo cáo PCI vừa qua, 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu. 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn. Mỗi trường kinh doanh bình đẳng hơn nhưng vẫn còn không ít gập ghềnh. Vẫn có tới 40% doanh nghiệp cho biết, các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và FDI hơn các doanh nghiệp tư nhân. Việc gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Thủ tục hậu đăng ký kinh doanh vẫn là gánh nặng. Có tới trên dưới 30% doanh nghiệp cho biết họ gặp nhiều khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và các giấy phép phù hợp với tiêu chuẩn và các giấy tờ quy định khác. Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông vận tải…

Tính minh bạch, cũng theo phản ánh của doanh nghiệp còn ít được cải thiện. Chất lượng nguồn nhân lực và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa cao. Các doanh nghiệp dân doanh, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ đang rất khó khăn. Để tiếp tục phát triển khu vực kinh tế tư nhân, việc khắc phục những điểm nghẽn thể chế và chính sách nêu trên vẫn cần là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ và cơ quan chính quyền các cấp.

Một điểm đáng chú ý là qua nghiên cứu PCI vừa qua, dư địa cải cách vẫn còn nhiều. Những khâu, những việc cải cách dễ dàng thì các tỉnh, thành phố đều đã triển khai và bây giờ chúng ta đụng đến những khâu, những việc khó khăn hơn, thậm chí là cốt lõi cần phải được tháo gỡ từ thể chế, từ cấp Trung ương, từ các bộ ngành. Vì vậy, đẩy mạnh xã hội hóa, đẩy mạnh phân cấp, thực hiện, định hướng các bộ ngành tập trung làm thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế để tiếp tục mở đường cho những nỗ lực cải cách ở cấp địa phương và cơ sở đang là một nhu cầu cấp thiết đặt ra cho làn sóng cải cách lần thứ 2. Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ khởi động và thúc đẩy quá trình này.

56 năm qua, VCCI đã luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Cho đến nay, nhiều tên tuổi doanh nghiệp, doanh nhân Việt đã vươn tầm thế giới. Theo ông, trước những biến động của tình hình kinh tế thế giới và thời đại công nghệ, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần phải làm gì để “vươn ra biển lớn”?

Từ chỗ bị kìm hãm, không cho phát triển, đến nay, kinh tế tư nhân đã được thừa nhận vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và được xác định là một động lực của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân chiếm một lực lượng đông đảo, với khoảng 700.000 doanh nghiệp (con số Tổng cục Thuế đưa ra) và hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh.

Thời gian qua, nền kinh tế có nhiều biến động, nhưng khu vực tư nhân vẫn trụ vững. Khu vực kinh tế này hiện đóng góp hơn 40% GDP - con số này cao hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước, và cao hơn cả doanh nghiệp FDI; đóng góp khoảng 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp; gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ; khoảng 64% tổng lượng hàng hóa vận chuyển...

Chưa bao giờ Việt Nam đứng trước vận hội mạnh mẽ như bây giờ. Mô hình phát triển sắp tới của Việt Nam sẽ là mô hình nền kinh tế sáng tạo, bao trùm và bền vững; trong đó, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ sẽ là động lực.

Xương sống của mọi nền kinh tế vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, dù ở Mỹ, Nhật hay EU cũng vậy. Và doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp của nhân dân. Phát triển được kinh tế tư nhân là phát huy được không chỉ nguồn lực về tiền bạc mà là nguồn lực trí tuệ của toàn dân. Trí tuệ của nhân dân là vô tận. Đặc biệt trong thời đại kỷ nguyên số, tài nguyên chủ yếu là trí tuệ. Trí tuệ thuộc về sở hữu của từng người chứ không phải sở hữu công.

Với sự tiếp sức của cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 và thương mại điện tử, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là khu vực có sự cạnh tranh cao nhất, sáng tạo lớn nhất vì nó huy động được toàn bộ nguồn lực cho xã hội và cho phát triển. Khi hình thành chuỗi giá trị, các nhà cung ứng trong chuỗi chính là các doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh nỗ lực của từng doanh nghiệp, để vươn ra biển lớn, doanh nghiệp Việt không những cần đủ mạnh về năng lực, chuyên môn mà còn rất cần chữ tín đối với các đối tác nước ngoài. Một trong những kinh nghiệm lớn đối với các doanh nghiệp chính là khi làm việc với đối tác nước ngoài phải luôn minh bạch và công khai thông tin. Đây được coi là điều kiện kiên quyết để xây dựng sự hợp tác lâu dài giữa hai bên.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, phải tái cấu trúc, nâng cao năng lực quản trị, làm ăn bài bản và có trách nhiệm. Phải phát triển bền vững, đảm bảo kết hợp với cả mục tiêu lợi nhuận gồm kinh tế, xã hội, môi trường, quan tâm đến cộng đồng...

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: vccinews.vn

Từ khóa:

Bài viết liên quan

au vung ben phai.tren cung
nha mat

TỶ GIÁ NGOẠI TỆ - VÀNG

  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
Yến sào Khánh HòaSAMAI BÊN PHẢIQuảng cáo bên trái dưới 2 (RMIT)CANG DONG NAI
vcci duoi cung ben trai
SAOMAIGROUP DƯỚI PHẢI

Đối tác

  • nha yen nha trang
  • coimex
  • Tà Cú
  • cang dong nai - doi tac
  • xskt sóc trăng