Trang tin điện tử phát triển thương hiệu

Từ đổi mới sáng tạo đến tăng trưởng xanh

  Thứ Tư, Ngày 22 Tháng 1, 2020, 14:31
Từ đổi mới sáng tạo đến tăng trưởng xanh Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Nhân dịp xuân Canh Tý 2020, phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ về những những chính sách hỗ trợ nhằm phát huy sức mạnh của cộng đồng DN Việt Nam trong hội nhập. Lê Hiền thực hiện.

Thưa Phó Thủ tướng, Sau khi Tổng cục Thống kê tiến hành đánh giá lại Tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2010-2017, thì giai đoạn này GDP tăng 25,4%. Số liệu này có ý nghĩa như thế nào trong thời điểm hiện nay?

Việc rà soát, đánh giá lại quy mô GDP được cơ quan thống kê nhiều nước trên thế giới thực hiện, kể cả những nước phát triển, vì trong quá trình biên soạn, chỉ tiêu GDP ở bất cứ quốc gia nào cũng luôn có những vấn đề phát sinh cần phải rà soát, đánh giá lại. Đối với Việt Nam, đây không phải là lần đầu tiên, cơ quan thống kê rà soát, tính toán, đánh giá lại quy mô GDP, mà năm 2013, Việt Nam đã đánh giá lại quy mô GDP cho giai đoạn 2008-2012.

Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ KH&ĐT và Tổng cục Thống kê là không chỉ đưa con số khô khan, mà phải có phân tích, giải thích và quan trọng là đưa ra khuyến nghị để phân tích, giải thích cho người dùng tin hiểu vì sao GDP tăng thêm, tăng thêm do đâu.

Đáng nói, việc đánh giá lại GDP của Việt Nam nhận được sự hợp tác chặt chẽ của các chuyên gia về thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đồng thời nhờ sự tư vấn, giúp đỡ của chuyên gia thống kê của Liên hợp quốc, việc tính toán lại cho ra con số quy mô GDP tăng thêm 25,4%, chứ không phải 23,8% như công bố sơ bộ ban đầu. Chủ trương của Chính phủ là khi đánh giá kết quả thực hiện chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011- 2020, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016- 2020 phải dựa trên số liệu thống kê GDP cũ, chưa đánh giá lại.

GDP là số liệu gốc để tính toán các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác như nợ công, nợ nước ngoài, nợ chính phủ, bội chi, thu ngân sách nhà nước. Vậy những chỉ số này sẽ thay đổi như thế nào trong giai đoạn tới đây?

Hiện tại các các bộ, ngành đang triển khai đánh giá lại quy mô GDP là cơ sở để hoàn thiện báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; là căn cứ để xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Kết quả này cũng được sử dụng để xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2016 và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030. Các bộ, ngành, địa phương cũng sử dụng số liệu đánh giá lại để xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 5 năm tới. Tuy nhiên, dù thế nào thì chúng ta vẫn phải triển khai các quan điểm, mục tiêu lớn về tài chính tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Theo đó, mục tiêu là bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu - chi ngân sách nhà nước. Quy mô nợ công hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, các chuyên gia kinh tế đề nghị tiếp tục coi trọng vai trò của DN, không chỉ ở chủ trương của Đảng mà còn trong từng chính sách, giải pháp của Nhà nước khi thực hiện chức năng của mình. Phó Thủ tướng cho biết những định hướng căn bản của Chính phủ trong việc phát huy sức mạnh của cộng đồng DN đặc biệt là khối DN tư nhân giai đoạn tới?

Doanh nghiệp, doanh nhân là động lực quan trọng phát triển của đất nước trong giai đoạn tới theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW về kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 12-NQ/TW về doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ cũng ban hành các Nghị quyết số 02 (mà trước đây là 19/NQ-CP) của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã thể hiện rất rõ tinh thần này, nhằm tạo mọi nguồn lực, điều kiện để phát triển doanh nghiệp.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng có bài viết về giải phóng các nguồn lực đưa đất nước phát triển, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là cần tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân, trước hết là doanh nghiệp chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có chính sách ưu đãi phát triển các ngành, nghề kinh doanh, các mô hình kinh doanh mới thể hiện tinh thần nắm bắt, tiến kịp và vượt trước một số lĩnh vực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

Hay như tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2019 diễn ra cuối tháng 12/2019, một lần nữa chúng ta nhận thấy quyết tâm của Chính phủ trong cải cách bộ máy, tiến tới xoá bỏ sự trì trệ, cửa quyền, thăm nhũng “vặt” trong xử lý công việc nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân.

Dù trong giai đoạn phát triển nào của đất nước đi nữa thì đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và doanh nghiệp vẫn là lực lượng nòng cốt của Đảng, Nhà nước trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục và góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội.

Nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở rất lớn với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do FTA được ký kết và thực thi, xin Phó thủ tướng nêu rõ những tác động từ các hiệp định thương mại này, nhất là CPTPP và EVFTA?

Đến nay, Việt Nam đã tham gia, đã ký kết và đang tiến hành đàm phán 17 FTA, trong đó có 13 hiệp định đã có hiệu lực và đang thực thi cam kết, 1 hiệp định đã ký kết nhưng chưa phê chuẩn (EVFTA), 1 hiệp định kết thúc đàm phán và 2 hiệp định đang đàm phán.

Việc Việt Nam tham gia vào hai FTA thế hệ mới và tiêu chuẩn cao CPTTP và EVFTA dự kiến sẽ có nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam. Cụ thể, hai hiệp định sẽ có những tác động tích cực về chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại, nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng và chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng, cạnh tranh chiến lược, xung đột thương mại giữa các nước lớn, nền kinh tế lớn diễn ra gay gắt.

Về kinh tế, tiếp tục thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam với các nước CPTPP và EU, mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là đối với các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh. Đối với CPTPP: Việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Nhật Bản và Ca-na-đa giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của ta sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Về cơ bản, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của ta như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với EVFTA, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Tham gia các FTA thế hệ mới sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa quan hệ kinh tế - thương mại, đặc biệt là đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực cụ thể; có cơ hội về việc tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; Cơ hội về cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài; Thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng (đặc biệt là trong các lĩnh vực như tài chính – ngân hàng, chi tiêu công và nông nghiệp – nông thôn); Tạo điều kiện để các doanh nghiệp của ta thu hút công nghệ nguồn; Cơ hội về việc làm, thu nhập và phát triển bền vững khi CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000 lao động. Đối với lợi ích về xóa đói giảm nghèo, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày. Tất cả các nhóm thu nhập dự kiến sẽ được hưởng lợi.

Hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do nói riêng, đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA không phải chỉ mang lại cơ hội mà kèm theo những rủi ro và thách thức. Sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém, mặt khác, cạnh tranh mang lại động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo. Các cam kết nhiều lĩnh vực toàn diện của các Hiệp định này cũng đặt ra yêu cầu cải cách thể chế, các quy định trong nước liên quan của Việt Nam. Thách thức trong việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây như lao động – công đoàn, môi trường... Thách thức về thu ngân sách khi thuế giảm,...

Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trên hành trình phát triển bền vững. Năm 2019, theo World Bank thì Việt Nam xếp thứ 70/190 về môi trường kinh doanh, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp Việt Nam ở thứ 67/141 về năng lực cạnh tranh. Còn trong năm 2018, Việt Nam đã xếp hạng 54/162 quốc gia lọt vào top 30% quốc gia dẫn đầu về phát triển bền vững và chỉ thua Thái Lan trong ASEAN. Như vậy, Phó Thủ tướng có cho rằng so với các nước có cùng trình độ phát triển, thì Việt Nam đang vượt lên trong “cuộc đua xanh”?

Quan điểm phát triển bền vững đã được lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020. Đất nước đã đạt được các thành tựu về phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường như tốc độ tăng trưởng GDP, giảm nghèo bền vững, phổ cập giáo dục, tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe...

Các mục tiêu phát triển bền vững gắn với mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các chỉ số này theo báo cáo của các tổ chức quốc tế liên tục được cải thiện về điểm số, riêng trong năm 2019, chỉ số Môi trường kinh doanh tăng 1,2 điểm (từ 68,6 lên 69,8) và Năng lực cạnh tranh tăng 3,5 điểm (từ 58 lên 61,5), cao hơn điểm trung bình toàn cầu (60,7 điểm). Chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 10 bậc, từ vị trí 77 lên vị trí 67, trong đó 8/12 trụ cột tăng điểm và tăng nhiều bậc.

Tuy nhiên, những kết quả chúng ta đạt được mới chỉ là bước đầu khi mà nhận thức về phát triển bền vững của không ít cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhiều người dân còn chưa đầy đủ, thống nhất; các chính sách kinh tế - xã hội còn thiên về tăng trưởng nhanh kinh tế và ổn định xã hội, mà chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức đến tính bền vững khi khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Quá trình lập quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quá trình xây dựng chính sách bảo vệ môi trường còn chưa được kết hợp chặt chẽ, lồng ghép hợp lý với nhau. Cơ chế quản lý và giám sát phát triển bền vững chưa được thiết lập rõ ràng và có hiệu lực. Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực xã hội chưa thực sự chú trọng.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg vào tháng 5/ 2019, đặt ra các giải pháp quan trọng, trong đó có nhiều nội dung về phát triển bền vững nền kinh tế như lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng giao các nhiệm vụ quan trọng cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tiếp tục phát huy vai trò định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện phát triển bền vững; tổ chức các diễn đàn đối thoại chính sách về phát triển bền vững; thực hiện chương trình đánh giá xếp hạng doanh nghiệp bền vững dựa trên bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững CSI; huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh cũng như Diễn đàn cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030 (Diễn đàn P4G); triển khai sáng kiến về nền kinh tế tuần hoàn.

Hội nhập kinh tế quốc tế không phải chỉ mang lại cơ hội mà đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém, mặt khác, cạnh tranh mang lại động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo. Và thông qua đổi mới sẽ thúc đẩy tăng trưởng xanh cho nền kinh tế.

 

Từ khóa:

Bài viết liên quan

au vung ben phai.tren cung
nha mat

TỶ GIÁ NGOẠI TỆ - VÀNG

  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
Yến sào Khánh HòaSAMAI BÊN PHẢIQuảng cáo bên trái dưới 2 (RMIT)CANG DONG NAI
vcci duoi cung ben trai
SAOMAIGROUP DƯỚI PHẢI

Đối tác

  • nha yen nha trang
  • coimex
  • Tà Cú
  • cang dong nai - doi tac
  • xskt sóc trăng