Trang tin điện tử phát triển thương hiệu

“Cần quan tâm đầu tư cho phát triển bền vững”

  Thứ Tư, Ngày 16 Tháng 9, 2020, 8:44
“Cần quan tâm đầu tư cho phát triển bền vững”

Đó là chia sẻ của ông Hoàng Trung Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), Tổng giám đốc Công ty Giấy và Bao bì Đồng Tiến trước thực trạng thua kém của doanh nghiệp ngành giấy Việt Nam với các doanh nghiệp FDI cùng ngành.

Theo ông Sơn, các doanh nghiệp cần phải quan tâm đầu tư cho phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn như đầu tư vào máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, cùng với việc đầu tư cho đào tạo và tự đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng, trình độ và năng lực quản lý của người lao động theo từng bước đi phù hợp với bối cảnh của doanh nghiệp mình, khuyến khích tinh thần sáng tạo và triệt tiêu lãng phí. Quốc Hưng thực hiện.

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 những năm qua được nhắc đến nhiều với những hứa hẹn sẽ tạo ra nền sản xuất công nghiệp hiện đại hơn, năng suất hơn. Là doanh nhân ngành giấy giữ vai trò Phó Chủ tịch VPPA, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Như chúng ta đã biết, cuộc CMCN 4.0 đã diễn ra mạnh mẽ trong nhiều năm qua tại các nước phát triển và cả Trung Quốc với nền tảng khoa học công nghệ vững chắc, đã tạo ra những chuyển biến to lớn, góp phần tạo ra nền sản xuất công nghiệp hiện đại tự động hóa ở cấp độ cao với nền tảng Internet Of Things (IOT) góp phần nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí và giải phóng sức lao động cho con người. Tại Việt Nam, Chính phủ cùng với các doanh nghiệp cũng đã rất quan tâm tới vấn đề này, nhưng đến nay, hiệu quả chưa đạt như mong muốn vì nhiều lý do.

Riêng tại Công ty Đồng Tiến, việc đầu tư đáp ứng cuộc CMCN lần thứ 4 đã được quan tâm thế nào và hiệu quả mang lại ra sao, thưa ông?

Về phần mình, trong mấy năm qua, Đồng Tiến cũng đã tập trung đầu tư cho việc tăng cường tự động hóa dây chuyền sản xuất, trang bị và kết nối các phương tiện, công cụ hỗ trợ quản lý cũng như đào tạo nâng cao năng lực, trình độ người lao động phù hợp với bối cảnh Công ty và đã đạt được những kết quả bước đầu. Cụ thể đã góp phần ổn định chất lượng, tiết giảm chi phí, triệt tiêu lãng phí, cũng như tăng thêm tính linh hoạt trong quản lý và sản xuất đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng cả về chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

So với các doanh nghiệp FDI, năng lực của các doanh nghiệp ngành Giấy & Bao bì Việt Nam còn hạn chế. Được biết, nhiều sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật và chất lượng cao hiện doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) chưa thể sản xuất được, hoặc sản xuất được nhưng giá thành cao dẫn đến khó cạnh tranh. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

Thực trạng này là một thực tế đang tạo ra rất nhiều áp lực và khó khăn cho các DNVN nói chung. Với các doanh nghiệp ngành giấy và bao bì nói riêng còn phải chịu áp lực lớn hơn, khi mà đầu tư FDI dù có trình độ kỹ thuật, công nghệ và quản lý cao hơn, nhưng hầu như cũng chỉ tập trung vào các sản phẩm không đòi hỏi công nghệ và chất lượng quá cao (các DNVN hoàn toàn có thể làm tốt), nhưng lại có nhu cầu lớn và tốc độ tăng trưởng nhanh để dễ thực hiện và thu hồi nhanh vốn đầu tư. Điều này làm mất đi cơ hội đầu tư phát triển của các DNVN và bỏ lỡ cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn của ngành giấy Việt Nam, đồng thời làm giảm đi tính lan tỏa và tác động tích cực đối với nền kinh tế đất nước như chúng ta luôn kỳ vọng vào đầu tư FDI. Hy vọng với quan điểm và chủ trương của Chính phủ đối với đầu tư FDI trong thời gian tới, chúng ta sẽ khắc phục được sự bất hợp lý này.

Vậy để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI vốn mạnh về thương hiệu, tài chính, kỹ thuật... theo ông các doanh nghiệp ngành giấy Việt Nam cần phải làm gì?

Với thực trạng hầu hết các DNVN thua kém các doanh nghiệp FDI cả về năng lực tài chính, công nghệ, trình độ quản lý và cả thương hiệu, theo tôi, các DNVN cần phải quan tâm đến đầu tư cho phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn như đầu tư vào máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, cùng với việc đầu tư cho đào tạo và tự đào tạo nhằm nâng cao trình độ và năng lực quản lý của người lao động theo từng bước đi phù hợp với bối cảnh của doanh nghiệp mình, đồng thời luôn khuyến khích tinh thần sáng tạo và triệt tiêu lãng phí.

Ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, theo ông, Nhà nước cần có chính sách gì?

Nhà nước cần có chính sách định hướng và hỗ trợ các DNVN có cơ hội phát triển mạnh mẽ và bền vững. Cụ thể với ngành giấy, Nhà nước cần có chính sách định hướng và chọn lọc đầu tư FDI phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu phát triển ngành giấy đảm bảo các tiêu chí cơ bản, như: (1) Thúc đẩy việc nâng cao trình độ công nghệ và hiện đại hóa thiết bị ngành giấy; (2) Tạo lập sự cân đối trong cung – cầu, cơ cấu sản phẩm giấy các loại, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu giấy cho tiêu dùng và phát triển kinh tế, đặc biệt là với các loại giấy chất lượng cao hiện Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu với số lượng lớn hàng năm; (3) Tạo cơ hội phát triển thuận lợi hơn cho các DNVN phát triển vươn lên ngang tầm quốc tế.

Hiện nay, bối cảnh dịch Covid-19 và những biến động thị trường tác động thế nào đến ngành giấy bao bì và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, thưa ông?
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam do nền kinh tế có độ mở cao đã và đang chịu những tác động rất nặng nề, nhất là với các ngành như du lịch, vận tải và sản xuất hàng hóa xuất khẩu, ....

Ngành giấy là ngành kinh tế phục vụ nên đương nhiên cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực, nhưng với hiệu ứng chậm hơn. Cụ thể, sản lượng ngành giấy bắt đầu suy giảm mạnh đặc biệt từ tháng 4/2020 với sản lượng/nhu cầu sụt giảm trung bình lên tới 20-30% do nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu đều sụt giảm, làm cho giá giấy thành phẩm giảm mạnh. Trong khi đó, giá nguyên liệu trong và ngoài nước lại tăng cao do thiếu nguồn cung và cước vận tải tăng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành giấy và tình hình này dự kiến còn có thể kéo dài tới hết năm 2021.

Chính vì thế, hoạt động đầu tư mới của Công ty cũng đang phải trì hoãn lại chờ đến khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn. Điều này làm chậm kế hoạch phát triển của Công ty khoảng 1-2 năm, nhưng có lẽ chúng tôi còn may mắn hơn một số công ty đang đầu tư dở dang mà phải bị ngưng trệ kéo dài do dịch bệnh.

Trước những khó khăn và thách thức của nền kinh tế, Đồng Tiến có giải pháp gì để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh cũng như việc làm cho người lao động và phát triển bền vững?

Để vượt qua khó khăn và thách thức hiện nay, Công ty đã và đang tích cực thực hiện một số giải pháp sau: (1) Ký kết thỏa ước với người lao động về các biện pháp phòng chống dịch bệnh và các phương án cần thiết phải tiến hành tương ứng với các tình huống khi sản lượng bị giảm 15-25%, trên 25% tới 40%, và trên 40% trở lên hoặc khi buộc phải ngưng sản xuất theo quyết định của các cơ quan chức năng. Qua đó người lao động hiểu rõ bối cảnh và yên tâm, tích cực hợp tác cùng Công ty vượt qua khó khăn. (2) Lên kế hoạch bảo trì, sửa chữa, cải tiến, cải tạo máy móc thiết bị tương ứng với thời gian ngưng sản xuất ít hay nhiều ngày. (3).Tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện về kiến thức, kỹ năng và thái độ cho người lao động, tổ chức phong trào cắt giảm chi phí và triệt tiêu lãng phí trong toàn công ty đang tạo ra hiệu quả rất tích cực.

Trân trọng cảm ơn ông!

Công ty Giấy và Bao bì Đồng Tiến là một trong những doanh nghiệp ngành giấy bao bì uy tín với những dòng sản phẩm đặc trưng được nhiều khách hàng tin dùng. Trong những năm qua, mặc dù thị trường biến động, cạnh tranh gay gắt nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty luôn ổn định và liên tục tăng trưởng. Theo đó, năm 2017, sản lượng tăng 20% so với năm 2016; năm 2018, sản lượng tăng 12% so với năm 2017; năm 2019, sản lượng tăng 8% so với năm 2018 với hiệu quả khá cao. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng Công ty vẫn đang hoạt động ổn định và hiệu quả, doanh thu và lợi nhuận đều tăng so với năm 2019.

Nguồn: Vietnam Business Forum

Từ khóa:

Bài viết liên quan

au vung ben phai.tren cung
nha mat

TỶ GIÁ NGOẠI TỆ - VÀNG

  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
Yến sào Khánh HòaSAMAI BÊN PHẢIQuảng cáo bên trái dưới 2 (RMIT)CANG DONG NAI
vcci duoi cung ben trai
SAOMAIGROUP DƯỚI PHẢI

Đối tác

  • nha yen nha trang
  • coimex
  • Tà Cú
  • cang dong nai - doi tac
  • xskt sóc trăng