Trang tin điện tử phát triển thương hiệu

APEC 2017: Tìm động lực mới từ tăng trưởng

  Thứ Hai, Ngày 16 Tháng 10, 2017, 7:49
APEC 2017: Tìm động lực mới từ tăng trưởng

Việc Việt Nam được cộng đồng quốc tế tin tưởng giao đảm nhận vai trò chủ nhà Năm APEC 2017 là một vinh dự và trách nhiệm lớn lao. Đây cũng là cơ hội quý báu để nâng cao năng lực hội nhập của các địa phương, doanh nghiệp góp phần quảng bá, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở các vùng miền. Với nhiệm lớn này, ngành kế hoạch đầu tư cũng đã có những đóng góp thiết thực, hiệu quả. Nói về vấn đề trên, TS. Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những chia sẻ chi tiết.

Xin ông cho biết đóng góp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017?

Nhận thức được tầm quan trọng của năm APEC 2017 nhằm tăng cường vị thế và quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tiến hành công tác chuẩn bị từ rất sớm. Trong hai năm 2015-2016, Bộ đã liên tục tham vấn với các đối tác để tìm hiểu các vấn đề quan tâm chung của khu vực APEC. Trong quý IV/2016, Bộ đã chủ trì xây dựng tài liệu thảo luận về 2 trong số 4 ưu tiên của năm APEC 2017, bao gồm: (i) Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; và (ii) Cải thiện khả năng cạnh tranh và năng lực đổi mới của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong thời đại số. Trong bối cảnh châu Á – Thái Bình Dương cần tìm kiếm thêm các động lực tăng trưởng trên diện rộng và dựa trên cơ sở đổi mới/sáng tạo, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm trở thành ưu tiên quan trọng nhất của năm APEC 2017. Chính ở đây, vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xác định những lĩnh vực và nội dung hoạt động gắn với ưu tiên nói trên là thực sự rõ nét.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn nghiên cứu, đề xuất sáng kiến về kết nối: (i) Lựa chọn một số nội dung kết nối có lợi cho Việt Nam trong khung khổ Kế hoạch kết nối APEC 2015-2025 để ưu tiên thúc đẩy hợp tác: kết nối vật chất, kết nối thể chế, kết nối con người. Các kết nối này đều dựa theo tiêu chí: có lợi, phù hợp với các ưu tiên kết nối chiến lược của Việt Nam và ASEAN; khả thi và phù hợp với xu hướng hợp tác chung của khu vực và (ii) Lồng ghép các nội dung kết nối trong các chương trình hợp tác tiểu vùng mà Việt Nam đã tham gia với các nội dung kết nối trong khung khổ APEC; có định hướng chính sách tham gia hợp tác tiểu vùng rõ nét.


Trong quá trình triển khai, các hoạt động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều có chất lượng cao, thu hút được đông đảo sự ủng hộ và tham gia của đại diện các nền kinh tế thành viên APEC. Bộ đã tham mưu, đóng góp nội dung chính về phát triển kinh tế bao trùm trong Sáng kiến APEC về phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội – dấu ấn quan trọng nhất của chủ nhà Việt Nam trong năm APEC 2017. Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa vào tháng 9/2017 được kỳ vọng sẽ thông qua tuyên bố chung với những ưu tiên, hành động quan trọng vì sự phát triển của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong thời đại số. Bên cạnh đó là một loạt hoạt động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư xuyên suốt trong năm 2017 về thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, MSME, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, chính sách cạnh tranh, quản trị doanh nghiệp nhà nước, v.v. Bản thân các sáng kiến, hoạt động của Bộ cũng mở ra thêm nhiều cơ hội trao đổi, hợp tác sâu rộng giữa các thành viên APEC, với sức lan tỏa cao đối với các ưu tiên khác của APEC - trong đó có thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.

Cũng cần nói thêm rằng các hoạt động do Bộ phụ trách trong năm 2017 được xây dựng trên cơ sở tham gia sâu rộng, có ý nghĩa vào các lĩnh vực của APEC trong nhiều năm qua. Sau nhiều năm chủ trì hoạt động tại Ủy ban Kinh tế APEC, cũng như các nhóm công tác về Phát triển nguồn nhân lực, Doanh nghiệp nhỏ và vừa, và Dịch vụ, Bộ đã không ngừng xây dựng, củng cố quan hệ với bạn bè, đối tác ở khu vực APEC cũng như các tổ chức quốc tế có hợp tác với APEC (như OECD, Ngân hàng Thế giới, v.v.). Nhờ đó, nội dung, kết quả các hoạt động trong Năm APEC 2017 phù hợp với mối quan tâm chung của khu vực APEC. 

Ở chiều ngược lại, hợp tác trong khung khổ APEC cũng giúp tăng hiểu biết và hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các thông lệ tốt về môi trường kinh doanh, chính sách cạnh tranh, MSME, v.v. Những động lực, chuyển biến ấy không chỉ dừng trong năm APEC 2017 mà sẽ còn tiếp tục được duy trì trong các năm tiếp theo. Trên cơ sở ấy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có đóng góp sâu rộng hơn trong tham mưu cho Đảng, Chính phủ về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế đầu tư – kinh doanh và phát triển kinh tế tư nhân trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Sự phát triển lớn mạnh của các thành viên APEC sẽ là một động lực của tăng trưởng, liên kết kinh tế trong khu vực và trên thế giới, ông đánh giá gì về triển vọng hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên APEC?

Nền kinh tế thế giới đang phục hồi đà tăng trưởng và có những động lực tăng trưởng mới so với giai đoạn trước. Nhiều nền kinh tế đang phục hồi khá tốt, các thị trường mới nổi và nhiều nền kinh tế đang phát triển đang tăng trưởng khá cao. Đây là những khu vực đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện chiếm gần 60% GDP toàn cầu và 49% thương mại toàn cầu (tính đến năm 2015) và vẫn được đánh giá là khu vực tăng trưởng kinh tế năng động nhất thế giới. Thực tiễn trong nhiều thập niên qua cho thấy toàn cầu hóa và thương mại quốc tế có đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chia sẻ sáng tạo và cải thiện phúc lợi cho người dân. Sự nổi lên của khu vực châu Á – Thái Bình Dương như là khu vực hội nhập và phát triển năng động nhất chính là một minh chứng sống động. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hầu như không thể tách rời khỏi nỗ lực liên tục và thực chất nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực. 

Trong thời gian tới, tiềm năng và sức sống cho hợp tác kinh tế ở khu vực APEC còn hiện hữu. Đối thoại ở nhiều cấp – chuyên gia, doanh nghiệp, quan chức – đều cho thấy hợp tác về thương mại và đầu tư vẫn rất cần thiết. Tuy nhiên, quá trình hợp tác ấy đòi hỏi những nỗ lực hợp tác khu vực và ở từng nền kinh tế để bảo đảm thương mại và đầu tư diễn ra một cách bao trùm và công bằng. Chính ở đây, những ý kiến khác biệt về tiến trình và phạm vi hội nhập ở khu vực là cơ hội quan trọng để các nền kinh tế thành viên – trong đó có Việt Nam – hình dung và đóng góp thực chất, trách nhiệm hơn vào sự phát triển của APEC. Tôi tin tưởng rằng lãnh đạo cấp cao ở các nền kinh tế thành viên APEC sẽ tiếp tục cam kết phối hợp hành động để APEC trở thành một hình mẫu tiêu biểu cho động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực.

Ông có thể cho biết những lợi ích cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thu được từ những kết quả hợp tác giữa các nước nội khối APEC?

Trong khuôn khổ Năm APEC 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Chủ đề quốc gia năm APEC 2017 là: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai”. Trên cơ sở chủ đề quốc gia, các lĩnh vực quan tâm chung của APEC và kế thừa kết quả của các Hội nghị Bộ trưởng DNNVV trước đây, dự kiến chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng DNNVV năm 2017 là: “Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong nền kinh tế số” với các tiểu chủ đề:

- Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

- Thuận lợi hoá môi trường kinh doanh cho MSMEs thông qua tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận công nghệ, trình độ quản lý, hỗ trợ nâng cao năng lực qua đào tạo, tư vấn và kết nối kinh doanh.

- Đẩy mạnh tinh thần kinh doanh APEC trong kỷ nguyên số: (1) thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp và (2) tăng cường đạo đức kinh doanh.

Thông qua hợp tác APEC, các MSMEs trong đó có các MSMEs của Việt Nam sẽ tiếp tục được hỗ trợ tiếp cận và tham gia mạnh mẽ, toàn diện hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu trong các lĩnh vực cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, thông qua việc tăng cường kết nối các hoạt động dịch vụ phát triển kinh doanh như hậu cần vận chuyển, tài chính, thương mại điện tử… Môi trường kinh doanh trong khối APEC và các chính sách hỗ trợ phát triển sẽ tiếp tục được cải thiện theo hướng thuận lợi, hỗ trợ cho DNNVV. Các DNNVV được nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua hỗ trợ về thông tin, đào tạo, tư vấn và kết nối kinh doanh. Ngoài ra, các DNNVV được khuyến khích thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo để đáp ứng với những yêu cầu mới trong kỷ nguyên số và toàn cầu hoá. Hệ sinh thái bền vững và thân thiện cho khởi sự và DNNVV đổi mới sáng tạo sẽ được hình thành và phát triển. Thông qua việc thúc đẩy các tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh tốt, các DNNVV sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin và môi trường cạnh tranh được cải thiện theo hướng bình đẳng.

Liệu Việt Nam có khả năng thu hút nhiều hơn các nguồn lực vốn đầu tư nước ngoài, với vị thế chủ nhà của năm APEC 2017 không, thưa ông ?

APEC là cơ chế hợp tác khu vực lớn nhất thế giới cả về quy mô kinh tế (GDP), dân số, thương mại và đầu tư. APEC bao gồm 21 nền kinh tế thành viên, chiếm 39% dân số, khoảng 60% GDP và 50% thương mại toàn cầu. APEC cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu cả về phương diện quy mô và tốc độ tăng trưởng.

APEC là khu vực đã hình thành nhiều cơ chế tự do thương mại với tất cả các thành viên đều là thành viên của WTO: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc… Với 70% doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu có trụ sở tại các nền kinh tế thành viên, APEC cũng là khu vực có nhiều nền kinh tế đầu tư ra nước ngoài nhất thế giới.

Đối với Việt Nam, APEC có vai trò vô cùng quan trọng về hợp tác chính trị - kinh tế - văn hóa. Việt Nam đã thiết lập được các cấp độ quan hệ đối tác, hợp tác chính trị (đối tác chiến lược toàn diện; đối tác chiến lược; đối tác toàn diện…) với hầu hết các nền kinh tế thành viên chủ chốt của APEC. Các cơ chế hợp tác kinh tế tự do song phương – đa phương quan trọng nhất đã có hiệu lực của Việt Nam liên quan đến các thành viên APEC như: AEC, ASEAN + Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia/New Zealand, FTA Việt Nam – Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile… Đồng thời, Việt Nam đang tích cực đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định RCEP và TPP đang có những dấu hiệu tích cực về việc sẽ sớm được kích hoạt lại.

Những cơ chế hợp tác này tạo nền tảng quan trọng về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nền kinh tế thành viên này. Về lĩnh vực đầu tư, 9/10 đối tác FDI lớn nhất của Việt Nam là các nền kinh tế thành viên APEC, tổng số vốn FDI lũy kế của các nền kinh tế thành viên APEC vào Việt Nam đạt hơn 238 tỷ USD. Về thương mại, 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là các thành viên APEC, riêng 5 thị trường này đóng góp 52,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, 10 thị trường có lượng khách du lịch lớn nhất vào Việt Nam đều là thành viên APEC.

Những thống kê trên cho thấy sự quan trọng và tính gắn kết, bổ trợ giữa Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC trong vấn đề hợp tác kinh tế. Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Sau gần 30 năm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế có quy mô trên 220 tỷ USD, là nền kinh tế mở với quy mô thương mại gấp hơn 1,6 lần GDP. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang phát triển sâu rộng với mạng lưới hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã mở rộng không gian kinh tế cho hợp tác và phát triển.

Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài là động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Việt Nam sẽ chủ động tiếp cận, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; xây dựng nền tảng trong chuỗi giá trị để sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; tạo tiền đề cho tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững.

Việt Nam cũng là điểm đến đầu tư hàng đầu trong khu vực, với lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân lực phong phú, chi phí đầu vào cạnh tranh, chính trị - an ninh ổn định, ôn hòa về tôn giáo, các chính sách thu hút đầu tư cởi mở, thân thiện với nhà đầu tư, vị trí địa lý có tính chiến lược, thị trường tiêu thụ lớn với tầng lớp trung lưu được coi là phát triển nhanh của thế giới, tiềm năng phát triển kinh tế phong phú, hạ tầng kinh tế - xã hội và môi trường đầu tư liên tục được cải thiện. Hiện nay, Việt Nam đã dần trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong một số lĩnh vực như điện tử, nông nghiệp – thủy sản, may mặc…

Thông qua việc lần thứ hai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp đón lãnh đạo, chính khách từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài ra, hàng trăm lãnh đạo hàng đầu các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) sẽ đến Việt Nam tham gia các hoạt động hợp tác kinh tế bên lề như Hội nghị xúc tiến Thương mại và Đầu tư APEC – Việt Nam, Hội nghị Thượng đỉnh các CEO doanh nghiệp APEC…

Đây sẽ là cơ hội quý giá để Việt Nam tiếp tục quảng bá hình ảnh về một quốc gia tươi đẹp, năng động với vô vàn cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh khi lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới được “mắt thấy, tai nghe” về một điểm đến đầu tư hấp dẫn, tiềm năng đang phát triển mạnh mẽ.

Qua đó, ngoài những đối tác đầu tư nước ngoài, các đối tác phát triển truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan đã có sự hiểu biết và đang đầu tư hiệu quả, trải rộng trên khắp các lĩnh vực kinh tế, Việt Nam sẽ có cơ hội và động lực mới để tiếp cận các quỹ đầu tư hàng đầu, thu hút nguồn vốn FDI, ODA có chất lượng từ các đối tác: Hoa Kỳ, Canada, Australia.. trong các lĩnh vực tài chính – ngân hàng, phát triển hạ tầng, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hiện đại – hiệu quả, năng lượng tái tạo, dịch vụ - du lịch chất lượng cao, y tế, giáo dục… Doanh nghiệp nhà nước và khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng có cơ hội gặp gỡ những đối tác tiềm năng để thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược lâu dài đối với các tập đoàn nước ngoài, tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao năng suất, công nghệ, kỹ năng quản trị, năng lực cạnh tranh, thương hiệu để không chỉ hoạt động tại thị trường nội địa mà còn từng bước hiện thực hóa tầm nhìn vươn ra biển lớn, cạnh tranh bình đẳng tại thị trường toàn cầu. Ngoài ra, không gian hợp tác mới sẽ mở rộng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam khi được tiếp cận, giới thiệu những ý tưởng sáng tạo và xây dựng quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, công ty tư vấn nước ngoài trong quá trình vươn lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nếu Việt Nam thành công trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Hội nghị, tiếp tục quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng và thực thi các chính sách phát triển kinh tế đúng hướng, kết hợp với việc đàm phán và triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, một không gian hợp tác kinh tế - đầu tư vô tận sẽ được mở ra. Việt Nam đang đứng trước viễn cảnh tự hoàn thiện mình để đón đầu làn sóng đầu tư mới, quy mô hơn, chất lượng hơn và đa dạng hơn từ các đối tác tiềm năng quốc tế.

Anh Phương VCCI thực hiện

Từ khóa:

Bài viết liên quan

au vung ben phai.tren cung
nha mat

TỶ GIÁ NGOẠI TỆ - VÀNG

  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
Yến sào Khánh HòaSAMAI BÊN PHẢIQuảng cáo bên trái dưới 2 (RMIT)CANG DONG NAI
vcci duoi cung ben trai
SAOMAIGROUP DƯỚI PHẢI

Đối tác

  • nha yen nha trang
  • coimex
  • Tà Cú
  • cang dong nai - doi tac
  • xskt sóc trăng