Trang tin điện tử phát triển thương hiệu

Giải pháp mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP

  Thứ Năm, Ngày 5 Tháng 4, 2018, 17:57
Giải pháp mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP

Vào 14h30' chiều nay (5/4), Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với nhãn hiệu CLS-Cloud Learning System (Hương Việt Group) tổ chức Hội thảo "Giải pháp mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP".

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết, mở ra kỷ nguyên mới về hội nhập quốc tế, đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam về chính trị, kinh tế - xã hội, ngoại giao... Trước những thời cơ và vận hội đang mở ra, Việt Nam rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng cho sự phát triển của đất nước.

Trước thực trạng này, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với nhãn hiệu CLS - Cloud Learning System (Hương Việt Group) tổ chức Hội thảo “Giải pháp mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP”.

Hội thảo nhằm tháo gỡ khó khăn trong vấn đề nhân sự, tạo điều kiện để các doanh nghiệp FDI có được đội ngũ nhân sự tốt để phát triển hoạt động kinh doanh của đơn vị mình; đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh Hiệp định CPTTP đã được ký kết. Đồng thời, bàn luận giải pháp, giới thiệu các mô hình tiên tiến ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động đào tạo nhân sự nội bộ của doanh nghiệp.

Đúng 14h30', Hội thảo chính thức bắt đầu. 

Tới tham dự Hội thảo có sự hiện diện của: Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Bà Lê Kim Dung - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; TS Trần Mạnh Đức – Vụ Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Đại diện tổ chức lao động quốc tế (ILO); Đại diện Đại sứ quán Lào; Đại diện Đại sứ quán Palestine; Đại diện Đại sứ Romania; Đại diện Đại sứ quán Nauy; Đại diện Đại sứ quán Mexico; Đại diện Đại sứ quán Malaysia; Đại diện Phòng Thương mại LiBi, Đại diện Đại sứ quán CuBa; Đại diện Hiệp hội Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp và đại diện các tổ chức quốc tế khác.

Về phía các diễn giả có: Ông Stephan Ulrich – Quản lý dự án Vùng Dự án Phát triển Doanh nghiệp bền vững của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO); Bà Trần Thị Lan Anh – Giám đốc Văn phòng giới sử dụng; Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO; GS Nguyễn Mạnh Quân – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển doanh nghiệp; Ông Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành Navigos Search, thuộc tập đoàn tuyển dụng nhân sự Navigos Group Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Nhàn - Giám đốc điều hành dự án CLS - Cloud Learning System; Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh – Chuyên gia tư vấn và đào tạo chuyển đổi số doanh nghiệp.

Về phía Ban tổ chức có: Ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; Ông Nguyễn Khánh Toàn – Giám đốc Hương Việt Group, đại diện nhãn hiệu Cloud Learning System.

Đặc biệt còn có sự tham dự của các khách mời là đại diện các Sở, Ngành liên quan, các Hiệp hội Doanh nghiệp, các Doanh nghiệp cùng các cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam đã có mức tăng trưởng 6,81% trong năm qua. Thủ tướng đã tuyên bố mặc dù Quốc hội kỳ vọng năm 2018 con số tăng trưởng là từ 6,5-6,7% nhưng sẽ cố gắng đạt mức tăng trưởng tối thiểu 6,7%. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng mức 6,7% là không hề đơn giản. "Tôi tin rằng những cải cách thể chế mà đặc biệt là những cải cách hành chính như cắt giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp chính là những động lực lớn nhất cho sự tăng trưởng" - TS Vũ Tiến Lộc nói.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI

Theo Chủ tịch VCCI, tăng trưởng không phải vấn đề quan trọng nhất mà chất lượng tăng trưởng mới là điều quan trọng. Những tiếng chuông cảnh báo chất lượng tăng trưởng luôn dồn dập tạo áp lực cho Việt Nam. Thứ nhất là năng suất lao động thấp. Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có năng suất lao động thấp nhất khu vực. Thứ hai là trình độ quản trị doanh nghiệp Việt hiện nay theo báo cáo PCI của VCCI với sự tham gia của cơ quan phát triển Hoa kỳ thì trình độ quản trị doanh nghiệp Việt thấp nhất khu vực ĐNA.

Số liệu điều tra của Viện Khoa học lao động xã hội thì 2/3 số doanh nghiệp cho biết phần lớn người lao động thiếu hụt kĩ năng về chuyên môn và kỹ năng nòng cốt khác. 

Báo cáo PCI cũng cho thấy, 55% doanh nghiệp khẳng định khó tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của công ty. Cuộc tìm kiếm lại càng khá nhọc nhằn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch VCCI cũng thông tin rằng, nhiều nhà đầu tư cho rằng Việt Nam được lựa chọn là điểm hấp dẫn đầu tư không phải do chất lượng nguồn lao động hay thể chế. Theo thống kê, nhà đầu tư Nhật Bản xếp 3 yêu cầu quan trọng trong việc lựa chọn Việt Nam là điểm đầu tư đó là do sự ổn định chính trị xã hội, quy mô thị trường và lực lượng lao động trẻ.

Nói đến chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP phải nói tới thêm cả là sức ép nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập và phát triển nói chung. Tác động kép của hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức lớn với nguồn nhân lực của Việt Nam. Chính vì vậy, sự cần thiết phải nâng cao chất lượng nguồn lao động là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội trong thời gian tới.

Vì vậy, theo Chủ tịch VCCI, cải cách hệ thống giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng lao động là yêu cầu quan trọng hiện nay. Trong việc cải cách đào tạo nguồn nhân lực thì vai trò doanh nghiệp rất quan trọng. Doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay không phải chỉ là người đặt hàng, khách hàng của ngành giáo dục còn phải là chủ nhân, nhà đầu tư của hệ thống giáo dục.

"VCCI cũng có kết nối cùng Bộ Giáo dục và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội kêu gọi các doanh nghiệp hợp tác với ngành giáo dục trong việc cải cách hệ thống giáo dục. Đặc biệt thay đổi tư duy và phương thức tổ chức giáo dục dạy nghề ở Việt Nam theo 6 hướng đồng hành, hợp tác" - TS Vũ Tiến Lộc nói - "Một là, doanh nghiệp là người dự báo nhu cầu và đặt hàng với cơ sở đào tạo. Hai là doanh nghiệp tham gia xây dựng giáo trình cùng các cơ sở. Ba là là doanh nghiệp tham gia giảng dạy. Bốn là nơi học viên thực tập, thực hành trong quá trình đào tạo. Năm là doanh nghiệp cùng cơ sở đào tạo kiểm định chất lượng của giáo dục đào tạo. Sáu là, doanh nghiệp là nơi iếp nhận và sử dụng nguồn lao động".

TS Lộc cũng cho biết, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có chương trình thí điểm với mục tiêu đưa ra là 100 ngàn lao động sẽ được đào tạo theo phương thức này. Doanh nghiệp cùng với nhà trường cùng thực hiện công tác đào tạo. Như vậy sẽ không còn ranh giới giữa nhà trường và doanh nghiệp nữa. Cộng đồng doanh nghiệp cũng là chủ nhân của hệ thống giáo dục đạo tạo và là người hưởng lợi ích từ hệ thống này. 

"Chúng tôi rất hi vọng nền tảng CLS của Hương Việt Group sẽ không còn ranh giới nào về không gian, thời gian và doanh nghiệp sử dụng nền tảng CLS sẽ cùng cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện đào tạo trực tuyến" - TS Vũ Tiến Lộc nói.

Phiên 1: Nguồn nhân lực - Nỗi lo không của riêng doanh nghiệp

Từ trái qua phải:

Từ trái qua phải: Ông Stephan Ulrich – Quản lý dự án Vùng Dự án Phát triển Doanh nghiệp bền vững của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO); Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO; Bà Lê Kim Dung - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ TB&XH; Ông Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; TS Trần Mạnh Đức – Vụ Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đến tham dự và trình bày phát biểu.

Phát biểu tại Phiên 1, TS Trần Mạnh Đức - Vụ Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên-Nhi đồng cho biết, cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung cầu lao động khi có sự sự xuất hiện của các robot. Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cách mạng 4.0.

TS Trần Mạnh Đức - Vụ Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên-Nhi đồng

TS Trần Mạnh Đức - Vụ Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên-Nhi đồng

Theo nhiều dự đoán, số lao động của Việt Nam sẽ giảm một nửa so với hiện nay. Trong đó, nhiều ngành nghề biến mất nhưng xuất hiện nhiều ngành nghề mới. Do vậy, nguồn nhân lực sẽ được đào tạo lại đề phù hợp với bối cảnh và nhu cầu mới.

Cũng theo ông Đức, cuộc cạnh tranh khốc liệt nhất trong thời đại cách mạng 4.0 là cạnh tranh nguồn nhân lực. Nếu Việt Nam không chuẩn bị tốt sẽ hụt hơi và không qua được cái bẫy thu nhập trung bình.

Trên thực tế, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng cũng như cân đối lao động. "Vì vậy, trong bối cảnh đó, Việt Nam cần đổi mới chất lượng nguồn lao động. Sự thay đổi này cũng được bổ sung tại Dự thảo Luật giáo dục Đại học" - ông Đức nói.

Nhận định về chất lượng nguồn lao động của thị trường lao động Việt Nam, TS Lê Kim Dung - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ TB&XH cho biết, nguồn lao động Việt Nam dồi dào và ổn định. Tuy nhiên chất lượng nguồn lao động của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm phải bàn.

TS Lê Kim Dung - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ TB&XH

TS Lê Kim Dung - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ TB&XH

Cụ thể, tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập. Ngoài ra, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn. Khi xem xét vấn đề thất nghiệp theo góc độ trình độ chuyên môn kỹ thuật thì tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng trong số lao động có trình độ cao.

Theo Bản tin Thị trường lao động số 15, tại thời điểm quí 3/2017, số người thất nghiệp có trình độ từ đại học trở lên tăng 53,9 nghìn người so với quí 2/2017 ở mức 237 nghìn người, tương đương 4,51%.

Liên quan đến đánh giá tác động của CPTPP tới phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam, bà Dung cho rằng, CPTPP đang tạo ra cả những cơ hội và thách thức. Phân tích về cơ hội, bà Dung cho rằng đó là cơ hội để phát triển giáo dục nghề nghiệp như tạo ra nhiều cơ hội trong việc hợp tác lẫn nhau giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ hội học tập, bồi dưỡng, trao đổi nâng cao trình độ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra sẽ có thêm nhiều nguồn lực đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Theo bà Dung thách thức lớn nhất của lao động Việt Nam đó là tính cạnh tranh sẽ là thách thức lớn nhất trong khi mức độ sẵn sàng của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam còn chậm. Cạnh tranh giữa Việt Nam với các nước trên thế giới trong việc cung cấp nguồn lao động chất lượng cao ngày càng tăng đòi hỏi chất lượng giáo dục nghề nghiệp phải được cải thiện đáng kể theo hướng tiếp cận được các chuẩn của khu vực và thế giới nhằm tăng cường khả năng công nhận văn bằng chứng chỉ giữa Việt Nam và các nước khác.

Vì vậy, một trong những đề xuất bà Dung đưa ra đó là tăng cường tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo và tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập và đánh giá kết quả học tập của người học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và đào tạo lại nghề cho ngư­ời lao động của doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường các khoản chi cho hoạt động đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Ông Stephan Ulrich – Quản lý dự án Vùng Dự án Phát triển Doanh nghiệp bền vững của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng, CPTPP sẽ mang lại lợi ích rất nhiều cho Việt Nam cũng như lợi ích cho tất cả các nhóm thu nhập. CPTPP cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài trong các ngành may mặc, da giày, điện tử…, đặc biệt là các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ. "Đây là xu hướng mà Việt Nam cần quan tâm thời gian tới" - ông Stephan Ulrich nhấn mạnh.

Ông Stephan Ulrich – Quản lý dự án Vùng Dự án Phát triển Doanh nghiệp bền vững của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)

Ông Stephan Ulrich – Quản lý dự án Vùng Dự án Phát triển Doanh nghiệp bền vững của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)

Theo thống kê có 33% công ty cho rằng làm việc nhóm và 31% cho rằng khả năng trao đổi là quan trọng. Các doanh nghiệp cũng cho rằng các kĩ năng này không được dạy bài bản ở các trường đại học mà thường được hình thành và đào tạo trong quá trình lao động tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cho rằng, nếu chỉ có nguồn nhân lực tốt mà chưa có quản trị tốt thì không đi đến đâu cả.

Về trình độ quản lý, ông cho rằng, Việt Nam chỉ đứng cùng với các quốc gia như Kenya hay Nigeria chứ chưa thể đạt đến các quốc gia như Nhật Bản hay Hàn Quốc. 

Vậy Việt Nam cần làm gì để chuẩn bị cho lực lượng lao động giai đoạn này? - ông Stephan Ulrich đặt câu hỏi. Theo ông, câu trả lời đó là Việt Nam cần mở rộng đào tạo, phổ cập giáo dục, thúc đẩy học sinh tham gia 4 bộ môn: khoa học, công nghệ, toán và kỹ thuật để tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn trong tương lai. Bên cạnh đó, giáo dục đào tạo và khởi nghiệp cần cải cách. Sự kết nối giữa khu vực công và tư trong lĩnh vực đào tạo để làm sao lĩnh vực tư có thể đưa phản ứng, thúc đẩy cho lĩnh vực công thay đổi, cải tiến.

GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài chia sẻ: “Khi nói đến thách thức của nguồn nhân lực trước thềm CPTPP phải xem lại nguồn nhân lực của Việt Nam. Phải nói rằng chất lượng nguồn nhân lực trong cơ cấu từng ngành là khác nhau. Hiện nay nguồn lao động Việt Nam trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp vẫn còn cao vì vậy, nếu lấy GDP/ tổng dân số vô hình chung năng suất lao động của Việt Nam bị thấp đi nhiều".

GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài

GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài

Tuy nhiên, theo quan điểm của GS. TSKH Nguyễn Mại thì chất lượng nguồn lao động của Việt Nam không phải là đáng báo động.

Mình chứng cho điều này, GS. TSKH Nguyễn Mại cho biết, chúng ta nên tiếp cận về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam ở 3 cách tiếp cận. Một là, Luật Giáo dục sửa đổi mặc dù chưa được thông qua, tuy nhiên một số trường đại học như Đại học Thương mại hay Đại học Kinh tế Quốc dân đã thay đổi rất nhiều trong các chương trình đào tạo cử nhân. Cụ thể là hơn 80% số sinh viên ra trường đã có việc làm ngay. Ngoài ra, một số mô hình trường dạy nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp cũng được thực hiện. Có nhiều mô hình tốt đã được triển khai chỉ tiếc là thời gian triển khai chậm. 

Hai là, năm 2017 Việt Nam đã ghi nhận tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mốc hơn 400 tỷ USD. Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN và tại thị trường Mỹ Việt Nam từ vị trí “đáy” trong ASEAN 6, giờ cũng đã cải thiện nhiều hơn. Ba là, năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Hàn Quốc đã tăng 30%, đạt hơn 80 tỷ USD. Hàn Quốc cũng là một trong những thị trường khó tính nhưng các sản phẩm của Việt Nam cũng đã đáp ứng được nhu cầu. Từ những cách tiếp cận vừa nêu, GS. TSKH Nguyễn Mại kết luận rằng chất lượng nguồn lao động không đáng lo.

Điều mà chất lượng nguồn lao động Việt Nam hiện nay đang thiếu đó chính là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao như giám đốc điều hành doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải quan tâm tới việc đào tạo nguồn nhân lực cấp cao này. 

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc trung tâm WTO nói: TPP có gì về lao động thì CPTPP có những điều khoản về lao động bởi CPTPP tiếp nối phần lớn cam kết của TPP. CPTPP chỉ tạm hoãn một số điểm so với TPP nhưng lại không có điều khoản hoãn về lao động.

bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc trung tâm WTO

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc trung tâm WTO

Trong TPP và giờ là CPTPP thách thức không chỉ là cam kết hoạt động mà còn thách thức khác tại các hiệp thư song phương với các nước liên quan, trong đó có Mỹ. Với hiệp định thư song phương với Mỹ có lộ trình cụ thể, Mỹ hoàn toàn có quyền ngừng hợp đồng, có quyền phạt nếu chúng ta vi phạm. Tuy nhiên, Mỹ lại không tham gia vào CPTPP nên về cơ bản Việt Nam có thể thoải mái hơn trong các việc thực hiện các điều khoản trong CPTPP.

Nhiều người đặt câu hỏi nếu không có Mỹ thì những điều khoản trong CPTPP có những gì? bà Trang cho biết, chúng ta vẫn có các điều khoản về lao động được quy định tại Chương 19 của CPTPP; chúng ta cũng có thư song phương với các nước. Về cơ bản các thư song phương này có nội dung giống nhau, không có yêu cầu chặt chẽ.

Nhiều người hỏi rằng CPTPP ảnh hưởng gì đến chất lượng lao động trong tương tai? "Tôi cho rằng với việc thực hiện CPTPP thì chi phí của doanh nghiệp dành cho nguồn lao động cao hơn bởi các tiêu chuẩn trong CPTPP cao hơn. Tuy nhiên, đây có phải là thách thức không thì lại là vấn đề khác, bởi nếu Việt Nam thực hiện tốt có khi doanh nghiệp Việt còn được hưởng lợi khi xuất khẩu hàng hóa và doanh nghiệp sẽ không phải chịu tiếng “pháp luật” không đảm bảo. Đây sẽ là cơ hội, là động lực không thể tốt hơn để doanh nghiệp buộc phải cải thiện chất lượng nguồn lao động” - bà Trang nhấn mạnh.

Phần 2: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực từ thực tiễn

Bà Trần Thị Lan Anh –Giám đốc văn phòng giới sử dụngp/- Bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành của Navigosp/- Bà Nguyễn Thị Nhàn - Giám đốc điều hành dự án CLS - Cloud Learning System

Từ trái qua phải: Bà Nguyễn Thị Nhàn - Giám đốc điều hành dự án CLS - Cloud Learning System; Bà Trần Thị Lan Anh –Giám đốc văn phòng giới sử dụng; Bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành của Navigos; Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh - Chuyên gia tư vấn và đào tạo chuyển đổi số doanh nghiệp. 

Phát biểu tại Phiên 2, Bà Trần Thị Lan Anh – Giám đốc văn phòng giới sử dụng cho biết, đối với các nước tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới đều phải tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả bốn tiêu chuẩn lao động cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của ILO, bao gồm: tự do liên kết và công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể (được quy định trong Công ước ILO số 87 và 98 ); loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc (Công ước ILO số 29 và 105 ); xoá bỏ lao động trẻ em (Công ước ILO số 138  và 182 ), và xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp (Công ước ILO số 100  và 111 ). 

Bà Trần Thị Lan Anh – Giám đốc văn phòng giới sử dụng

Bà Trần Thị Lan Anh – Giám đốc văn phòng giới sử dụng

Theo bà Lan Anh, tất cả các quốc gia thành viên của ILO, bao gồm Việt Nam, đều phải tôn trọng các quyền này. Đây được coi là những quyền được ghi nhận trên toàn thế giới trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn ba công ước cơ bản (Công ước số 87, 98 và 105) liên quan đến tự do liên kết, quyền thương lượng tập thể và loại bỏ lao động cưỡng bức. 

Các nhà kinh tế kỳ vọng rằng CPTPP, cùng với Hiệp định thương mại tự do (FTA) EU-Việt Nam, sẽ mang lại những lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam, thông qua việc tăng tính cạnh tranh về giá của các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam trên những thị trường chính và đẩy mạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo ra hàng triệu việc làm, bao gồm cả trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quan trọng hơn, CTTPP sẽ giúp tạo điều kiện cho cải cách trong nước ở nhiều lĩnh vực và xây dựng môi trường cho nền kinh tế cạnh tranh.

Các nhà hoạt động toàn cầu hóa, các nhà hoạt động thương mại và các chính trị gia đã nhấn mạnh những hậu quả xã hội tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa.

Các báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labour Organization - ILO) và các báo cáo chính thức khác cho thấy sự tồn tại, thậm chí đang xấu đi của những hình thức bóc lột tồi tệ nhất như trẻ em và lao động cưỡng bức.

Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra như liệu rằng các nước có khuyến khích hạ thấp tiêu chuẩn lao động để tăng giá trị cạnh tranh? Hay việc vi phạm các quyền cơ bản tại nơi làm việc có thể được coi là một lợi thế so sánh không công bằng? Và liệu sự toàn cầu hóa dẫn các nước vào một “cuộc chạy đua xuống đáy” (race to bottom) không hiệu quả? Thật vậy, việc mở cửa thị trường của các nước đang phát triển ngày càng gia tăng nhưng lại không kéo theo việc cải thiện nhanh chóng trong tiêu chuẩn lao động.

Bà Lan Anh cho biết, các FTA thế hệ mới yêu cầu tất cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO trong pháp luật, thể chế và thông lệ của họ. Đây là một cơ hội để hiện đại hoá pháp luật lao động và hệ thống quan hệ lao động trong khung thời gian đã định.

Các nước tham gia các FTA thế hệ mới đều phải nỗ lực tiến tới phê chuẩn những công ước cơ bản chưa phê chuẩn; Thực hiện có hiệu quả trong luật và thực tiễn các công ước đã phê chuẩn của ILO; Không vi phạm tiêu chuẩn lao động cơ bản để làm lợi thế cạnh tranh; Không sử dụng tiêu chuẩn lao động cơ bản vì mục đích bảo hộ thương mại.

Về cơ hội, theo bà Lan Anh, các nước tham gia các FTA thế hệ mới đều có cơ hội tạo thêm nhiều việc làm, đặc biệt là ở những ngành có lợi thế xuất khẩu; Vẫn còn dự địa cạnh tranh về giá lao động; Tăng nguồn đầu tư FDI, công nghệ, tăng năng suất lao động; cải thiện quan hệ lao động và điều kiện lao động; cải thiện tiền lương và thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, nó cũng tồn tại những thách thức: Vấn đề số lượng lao động ngành nông nhiêp và tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp cùng với tình trạng già hóa dân số, chuyển dịch cơ cấu chậm, Lao động phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn, cơ cấu bất hợp lý; Năng suất lao động thấp, chậm cải thiện; Năng lực cạnh tranh của NNL thấp, thiếu hụt nhiều kỹ năng cần thiết là những thách thức lớn khi tham gia vào các FTA thế hệ mới.

Từ đó, bà Lan Anh đưa ra những kiến nghị cụ thể. Đối với Nhà nước cần truyền thông, nghiên cứu, đào  tạo, nâng cao nhận thức; Sửa đổi hệ thống pháp luật hiện hành như Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Một số luật khác; Phê chuẩn các công ước của ILO như 3 Công ước cơ bản và Các công ước kỹ thuật theo kế hoạch,….

Đối với doanh nghiệp cần tăng cường nhận thức về EVFTA, CPTPP; Tăng cường nghiên cứu và đầu tư cho nghiên cứu hiệp định; Tăng cường năng lực: công nghệ; quản tri; nhân công trình độ cao; kinh nghiệm kinh doanh quốc tế; năng lực tầm xây dựng chiến lược tham gia: công nghệ; cơ cấu ngành hàng, sản phẩm; nguồn nhân lực; thực hiện CSR;...

Bà Nguyễn Thị Phương Mai - Giám đốc điều hành Navigos Search cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay đang phải đối diện với thách thức trong việc giữ “nhân lực giỏi”. Theo thống kê của trang tuyển dụng vietnamword, năm 2016-2017 nhu cầu về lao động tăng 20% nhưng tốc độ tăng về nhu cầu tuyển dụng lại không đi liền với tốc độ tuyển dụng.

Bà Nguyễn Thị Phương Mai - Giám đốc điều hành Navigos Search

Bà Nguyễn Thị Phương Mai - Giám đốc điều hành Navigos Search

Qua các năm các ngành có nhu cầu cao vẫn là ngành thủy sản, ngành hàng tiêu dùng nhanh, bản lẻ, ngành dệt may và da giày. "Đây là lĩnh vực thu hút lao động cao nhất hiện nay" - bà Mai nói.

CPTPP mang lại cơ hội rất lớn vậy thách thức là gì? Theo bà Mai, thách thức nằm ở việc tìm kiếm khối nhân lực cho vị trí quản lý cấp trung và cấp cao.

“Theo khảo sát của chúng tôi đối với lao động ở độ tuổi sinh năm từ 1990 đến 1996 thì có 17% doanh nghiệp cho rằng thuộc lứa tuổi này có độ gắn bó không cao. Khảo sát mới đây của chúng tôi với 3000 ứng viên thì có 69% cho biết họ sẵn sàng đón cơ hội mới và họ chuyển từ 2 đến 3 công ty; 63% cho biết động lực của họ muốn được gia tăng trình độ chuyên môn và kỹ năng. Kết quả một khảo sát khác cũng cho thấy có đến 41% doanh nghiệp cảm thấy khó khi tìm thấy ứng viên đạt chất lượng cho vị trí quản lý; 31% cho biết khó khăn về ngôn ngữ. Doanh nghiệp FDI tràn vào nhiều, khả năng ngoại ngữ của các ứng viên là trở ngại; ngoài tiếng anh ra yêu cầu ứng viên có Hàn, Nhật, Trung tăng nhiều” - bà Mai nói.

Theo bà Mai, cơ hội đến từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng khiến các ứng viên chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác khá nhiều dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp rất mệt với vấn đề giữ nhân tài.

Trong bối cảnh hội nhập, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa để tăng cường sức cạnh tranh. Để thực hiện sứ mệnh đó, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động đào tạo nhân sự là điều rất cần thiết. Với nội hàm của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây vào trong hoạt động đào tạo trực tuyến (Elearning) được xem là một trong những giải pháp không chỉ có ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn giải quyết bài toán của các doanh nghiệp một cách hiệu quả.

Theo bà Nguyễn Thị Nhàn – Giám đốc dự án CLS - Cloud Learning System, về thực trạng chất lượng lao động Việt Nam, thời điểm cách đây vài năm, Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài xem như một “miền đất hứa” với những lợi thế như:  dân số đông, thị trường tiêu thụ lớn; lực lượng lao động dồi dào, chi phí lao động thấp…  Tuy nhiên, thực tế trong thời gian gần đây cho thấy, một số những yếu tố được coi như “lợi thế” này đôi khi vẫn khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan ngại. Đặc biệt, thể hiện rõ ràng nhất là vấn đề lao động tại Việt Nam.

bà Nguyễn Thị Nhàn – Giám đốc dự án CLS - Cloud Learning System

Bà Nguyễn Thị Nhàn – Giám đốc dự án CLS - Cloud Learning System

Bà Nhàn đã dẫn chứng kết quả báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017. Cụ thể, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chưa có nhiều đột phá. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng đào tạo và hiệu quả của lao động Việt Nam năm 2017 chỉ đạt 3,8 điểm. Vì vậy, doanh nghiệp phải chi nhiều tiền hơn cho hoạt động đào tạo khi tuyển dụng nhân sự mới. Cụ thể, chi phí trung bình cho hoạt động này chỉ chiếm 3,6% chi phí kinh doanh vào năm 2013, nhưng sau đó đã tăng vọt lên 5,9% trong năm 2014 và ở mức 5,7% vào năm 2017.

Thực tế này cho thấy, lao động của Việt Nam phần lớn chưa được qua đào tạo; việc sở hữu các kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng công nghệ thông tin và khả năng sáng tạo vẫn còn rất hạn chế. Và rất nhiều lao động Việt Nam dù đã qua đào tạo nhưng khi làm việc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của chủ doanh nghiệp và phải mất thời gian đào tạo lại.

Vì vậy, thực tế này đã khiến cho công ty chọn cách tuyển dụng nhân sự đã có kinh nghiệm để giảm bớt quá trình đào tạo. Tuy nhiên, đội ngũ lao động có kinh nghiệm trên thị trường luôn khan hiếm. Quá trình tuyển dụng và đào tạo nhân sự khi đó lại rơi vào vòng luẩn quẩn và phải bắt đầu lại từ đầu.

Để thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của bài toán nguồn nhân lực, các doanh nghiệp cần phải chủ động thay đổi, đưa ra giải pháp cải thiện chứ không nên chờ đợi từ thị trường một cách bị động như trước.

Việc tổ chức các chương trình đào tạo nhân sự nội bộ chính là cách gỡ nút thắt và tạo nội lực mạnh mẽ để doanh nghiệp phát triển bền vững. Giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một nhiệm vụ không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn mang ý nghĩa xã hội.

Vì vậy, ngày nay xu hướng đào tạo trong doanh nghiệp đang chuyển dịch dần từ đào tạo truyền thống sang đào tạo online (Elearning) bởi một loạt các lợi ích vượt trội như phá vỡ các rào cản về địa lý, rút ngắn thời gian đào tạo, đồng thời tiết kiệm được chi phí nhờ không phải tổ chức các lớp học hay thuê đơn vị đào tạo như quy trình cũ...

Bà Nhàn chia sẻ, những lợi ích của đào tạo trực tuyến là điều dễ dàng nhìn thấy được nhưng để đầu tư xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến gồm phần mềm quản lý đào tạo, hạ tầng máy móc thiết bị, sản xuất nội dung và duy trì đội ngũ vận hành cần một nguồn tài chính rất lớn và thường xuyên - điều này nằm ngoài khả năng của hầu hết các doanh nghiệp còn lại.

Với nội hàm của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) vào trong hoạt động đào tạo trực tuyến (Elearning) được xem là một trong những giải pháp không chỉ có ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn giải quyết bài toán của các doanh nghiệp một cách hiệu quả.

Trên thế giới, các hệ thống đào tạo doanh nghiệp triển khai theo công nghệ này đã được ứng dụng phổ biến tại các thị trường phát triển như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản. Tuy nhiên, do vấn đề văn hóa, thói quen, trình độ nhận thức của nhân sự mà mỗi giải pháp E-learning chỉ thích hợp triển khai tại một khu vực. Chưa kể chi phí để các doanh nghiệp sử dụng và duy trì hệ thống nước ngoài rất đắt đỏ, lên tới hàng triệu USD.

Tại Việt Nam, giải pháp Hệ thống quản lý đào tạo trên nền tảng đám mây CLS - Cloud Learning System (cls.vn) hiện đang được biết đến là giải pháp duy nhất phục vụ công tác đào tạo nhân sự và giáo dục trực tuyến. Hiện nay Việt Nam có hơn 500.000 doanh nghiệp, tuy nhiên 90% trong đó chưa có hệ thống quản lý đào tạo nội bộ của riêng mình. Vì thế, hệ thống CLS do Hương Việt Group (huongvietgroup.com) phát triển được đánh giá là phù hợp với phần đông nguồn nhân lực Việt Nam do đặc tính thuần Việt; giao diện người dùng thân thiện, dễ sử dụng, các chi tiết phức tạp được giản lược đến mức tối đa.

Cụ thể, chi phí để đầu tư hệ thống CLS vô cùng thấp, chỉ dao động từ 10.000 đến 20.000đồng/nhân sự/ tháng tùy quy mô triển khai và không tốn thêm bất cứ chi phí thường xuyên nào khác. Hệ thống này sẽ mở ra cơ hội để các doanh nghiệp sở hữu riêng các hệ thống đào tạo trực tuyến của riêng mình nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, phát triển nguồn lực. Với giải pháp này, bài toán giảm thiểu chi phí và rủi ro trong tuyển dụng và đào tạo nhân sự tại các doanh nghiệp có thể được giải quyết một cách triệt để. Đồng thời, tăng nhanh tốc độ tuyển dụng và hòa nhập nhân sự.

Từ khóa:

Bài viết liên quan

au vung ben phai.tren cung
nha mat

TỶ GIÁ NGOẠI TỆ - VÀNG

  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
Yến sào Khánh HòaSAMAI BÊN PHẢIQuảng cáo bên trái dưới 2 (RMIT)CANG DONG NAI
vcci duoi cung ben trai
SAOMAIGROUP DƯỚI PHẢI

Đối tác

  • nha yen nha trang
  • coimex
  • Tà Cú
  • cang dong nai - doi tac
  • xskt sóc trăng