Trang tin điện tử phát triển thương hiệu

VBF giữa kỳ 2017: Đối thoại để kết nối thực chất hơn

  Chủ Nhật, Ngày 2 Tháng 7, 2017, 15:41
VBF giữa kỳ 2017: Đối thoại để kết nối thực chất hơn

Mục tiêu của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2017 là đối thoại để doanh nghiệp (DN) FDI kết nối thực chất hơn với đối tác DN địa phương, góp phần phát triển bền vững, nâng cao chất lượng nền kinh tế Việt Nam.

Với chủ đề “Tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới”, VBF giữa kỳ 2017 nhằm thảo luận những giải pháp hỗ trợ khu vực DN nhỏ và vừa (DNNVV) liên kết với DN FDI, tham gia chuỗi sản xuất khu vực và thế giới, tiến tới xoá bỏ ranh giới quốc gia trong sản xuất.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, quan điểm của Việt Nam coi DN FDI là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, thành công của DN FDI là thành công của Chính phủ Việt Nam và muốn DN FDI coi thành công của DN trong nước cũng là thành công của chính mình.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI nhưng sẽ có chọn lọc, ưu tiên cho các DN nước ngoài có lĩnh vực hoạt động phù hợp với tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có sẵn chuỗi liên kết, quản trị tốt, sẵn sàng kết nối với DN Việt nam.

Phó Thủ tướng cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Việt Nam. Việt Nam đã và đang ký nhiều hiệp định tự do thương mại thế hệ mới với các tiêu chuẩn rất cao. Đi liền đó, Việt Nam cũng nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế trong nước, tăng cường cạnh tranh quốc gia, năng lực, sản phẩm để hội nhập kinh tế quốc tế, cho dù có hay không có hiệp định tự do thương mại như TPP.

Để tạo thuận lợi cho DN gồm cả DNNN, DN tư nhân, FDI, hộ kinh doanh, Chính phủ Việt Nam đang đi theo cách xây dựng, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho tất cả các loại hình DN này. Chính phủ đang quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP và tới đây sẽ sớm ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Chính phủ cũng vừa kiện toàn Uỷ ban Tạo thuận lợi thương mại quốc gia, đặt mục tiêu tới năm 2018 sẽ đưa 80% thủ tục hành chính thực hiện trên Cổng thông tin Một cửa quốc gia, Một cửa Asean. Lãnh đạo Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, sửa đổi 73 thủ tục hải quan chuyên ngành để tạo thuận lợi cho các DN trong nước, nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

Chính phủ cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện, phát triển mạnh mẽ các loại thị trường được coi là điều kiện cần và đủ cho các DN phát triển; đồng thời đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế gắn đổi mới mô hình tăng trưởng, coi trọng chất lượng tăng trưởng…

Theo TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI, hiện nay, khu vực doanh nghiệp FDI đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, ít bị tác động bởi thể chế hơn so với DN Việt Nam nên doanh nghiệp FDI đã phát triển vượt trội hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI chưa tạo ra được sức lan toả và có sự đóng góp tương xứng vào sự phát triển kinh tế so với những ưu đãi đã nhận được.

Theo các khảo sát của VCCI, những doanh nghiệp FDI thường có xu hướng nhập khẩu những sản phẩm của DN của mình theo ngành dọc. Việc marketing và cung cấp thông tin kết nối cũng như việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ chưa đáp ứng được. Có 3 nguyên nhân chủ yếu tạo ra khoảng cách giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. Đó là chất lượng nguồn nhân lực chưa đảm bảo, từ đó dẫn đến trình độ công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài, và về khoảng cách địa lý.

Do đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ trong những chính sách, thể chế, theo ông Lộc, cần đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực trong các trường dạy nghề, theo nhu cầu của từng ngành nghề trong từng lĩnh vực cụ thể, trong đó kêu gọi và huy động nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực này.
Ngoài ra, VCCI cũng kiến nghị cần có quy hoạch trong việc xây dựng khu công nghiệp và thể chế dành cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có sự kết nối giữa các hai khu công nghiệp này. Hiện thực hoá chính sách và chương trình hỗ trợ đi vào thực tiễn.


Cần làm giàu môi trường công nghiệp
Ông Hiroshi Karashima, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật bản tại VN


Để tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam với vai trò là một nước sản xuất, vấn đề hết sức quan trọng là Việt Nam cần làm giàu môi trường công nghiệp để tạo ra các giá trị gia tăng ngoài khả năng cạnh tranh về chi phí lao động. Dựa vào quan điểm này, tôi cho rằng cần thiết phải tạo ra các ngành công nghiệp phụ trợ bằng cách phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Đề xuất mới về “Dự thảo Luật hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ” được đưa ra tại Quốc hội cho thấy Việt Nam nhận thức rất rõ về vấn đề này. Để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, cần phải có những DNVVN của Nhật Bản là những doanh nghiệp có thế mạnh và kiến thức chuyên môn cao (như các nhà sản xuất khuôn mẫu) được khuyến khích chuyển giao công nghệ cho Việt Nam bằng cách hợp tác với các DNVVN trong nước. 

Hiện nay, một số công ty sản xuất của Nhật Bản đang có kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất của họ từ Nhật Bản sang Việt Nam và các nước thứ ba. Nếu các doanh nghiệp này có thể dễ dàng chuyển cơ sở sản xuất của họ sang Việt Nam, việc di chuyển này sẽ góp phần rất lớn cho sự hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ cũng như phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Tuy nhiên, có một rào cản đối với DNVVN của Nhật Bản khi di chuyển sang Việt Nam. Rào cản này nằm trong các quy định, chính sách về nhập khẩu máy móc và thiết bị đã qua sử dụng.Về nguyên tắc, Thông tư số 23 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2015 cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị sử dụng dưới 10 năm, đồng thời cần có địa điểm để nhập khẩu những máy móc, thiết bị hơn 10 năm. Chúng tôi rất mong muốn cơ quan lập pháp của Việt Nam cho phép các nhà đầu tư nhập máy móc, thiết bị đã qua sử dụng làm tài sản cố định của doanh nghiệp của họ, được phép mang máy móc, thiết bị đã qua sử dụng mà không tính đến hạn chế số năm sử dụng. Sau đó, các nhà đầu tư và DNNVV với những thế mạnh riêng của họ có thể khuyến khích hơn nữa việc di chuyển đến Việt Nam. Hơn nữa, chúng tôi cũng mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hơn trong việc cấp giấy phép lao động cho các chuyên gia về doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các ngành công nghiệp phụ trợ, không chỉ từ góc độ cung cấp thiết bị mà còn từ quan điểm di chuyển không bị ràng buộc về nguồn nhân lực, Việt Nam có thể tăng khả năng cạnh tranh của mình.

Chú trọng phát triển bền vững và cơ sở hạ tầng
Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch EuroCham


EuroCham đang chờ đợi đến khi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) được phê duyệt và thực thi. Đây sẽ là thời khắc quan trọng cho sự phát triển thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Nếu được thực thi nghiêm chỉnh, EVFTA sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại thông qua việc dỡ bỏ dần rào cản thuế quan, và quan trọng hơn nữa là sẽ giúp Việt Nam tuân thủ theo các quy trình, tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng của châu Âu và các quốc gia phương Tây khác. Chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam để xây dựng lộ trình thực thi EVFTA và tin tưởng rằng Việt Nam nên sửa đổi các quy định và quy trình cho phù hợp ngay cả khi EVFTA chưa có hiệu lực. Trong đó có 5 nội dung quan trọng sẽ có thể giúp cải thiện đáng kể tính bền vững và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thương mại toàn cầu, và mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam:

1. Phát triển bền vững và chính sách năng lượng. Khi Việt Nam chuyển sang các ngành công nghiệp có mức độ thâm dụng vốn cao để tăng thành phần nội địa trong sản phẩm, Chính phủ nên điều chỉnh chính sách công nghiệp theo hướng hoàn thiện chuỗi cung ứng với các quy trình thân thiện môi trường và có đủ cơ sở vật chất để thực hiện tái chế. EuroCham có thể cung cấp cho Chính phủ Việt Nam những ví dụ thực tế và có thể hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ châu Âu trong lĩnh vực tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo và sản xuất sạch. 

2. Vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa ngày càng tăng nhu cầu sử dụng cơ sở hạ tầng công cộng, tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng một phần nhu cầu về cơ sở hạ tầng ở Việt Nam và các nguồn vốn hỗ trợ chính thức (ODA) đang giảm không đủ để bổ sung khoảng trống này. Nguồn vốn tăng thêm phải đến từ đầu tư tư nhân, thông qua hình thức Hợp tác công-tư (PPP) hiệu quả hơn, cân bằng được rủi ro và khả thi về mặt tài chính cho các công ty quốc tế. Và hoạt động đấu thầu công cần minh bạch, kịp thời và công bằng và thông qua tư nhân hóa toàn bộ thị trường. 

3. Cải thiện môi trường pháp lý. Mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt hơn là yếu tố cần thiết khuyến khích đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã cải thiện khung pháp lý và việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nhưng việc thực thi các luật về sở hữu trí tuệ vẫn còn gây quan ngại các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam. Do đó, EuroCham kiến nghị Chính phủ Việt Nam đảm bảo người vi phạm tên thương mại và bản quyền phải chịu các biện pháp cảnh cáo và xử lý mạnh về mặt pháp lý khi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cả vi phạm qua Internet, và đảm bảo rằng quyết định yêu cầu tạm dừng hay ngừng hành động vi phạm ngay lập tức được ban hành và thực thi. 

4. Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0. Nếu Việt Nam muốn bắt kịp xu hướng hiện tại và tiến về tương lai thì cần phải lựa chọn rõ ràng và tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp của tương lai. Việt Nam cần cho phép khu vực tư nhân tự vận hành, vì một số có thể thành công và số khác có thể không, nhưng nếu xét trên tổng thể một quốc gia thì sẽ có lợi cho Việt Nam. 

5. Phối hợp với các tỉnh để đảm bảo áp dụng thống nhất luật và chính sách. Các Tỉnh thành đang cạnh tranh với nhau trong việc thu hút vốn đầu tư và họ nên mở cửa và minh bạch nhất có thể, phối hợp với chính quyền trung ương để đảm bảo nhà đầu tư có dự án tại các tỉnh khác nhau được hưởng các điều kiện giống nhau. 

Cần loại bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan
Ông Jonathan Moreno, Chủ tịch Amcham


Trong các hướng hợp tác mới, chúng tôi ủng hộ đường hướng cho hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai quốc gia. Để thực hiện một hiệp định thương mại tự do, điều kiện công bằng về lợi ích cho tất cả các bên là yêu cầu cần thiết. Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam luôn sẵn sàng cam kết thực hiện để đưa mục tiêu này thành hiện thực. Bước đi đầu tiên là việc ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào tháng 4/2017 để thành lập Ban Lãnh đạo Doanh nghiệp Hoa Kỳ - Việt Nam nhằm vận động cho Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Trong thời gian này, Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) sẽ là công cụ giúp giải quyết những vấn đề quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp. AmCham ủng hộ những nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh bằng các biện pháp cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả.

Theo đó, cần loại bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan. Thương mại tự do và công bằng sẽ giúp duy trì và phát triển quan hệ đầu tư và thương mại song phương. Việc nhập khẩu sản phẩm vào Việt Nam còn tốn kém và phức tạp, cộng thêm tình hình thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ lên đến 34 tỷ đô la Mỹ, Việt Nam cần đặc biệt nghiêm túc giải quyết hàng loạt các rào cản kỹ thuật phi thuế quan đối với thương mại chủ yếu gặp phải tại biên giới và những vấn đề được gọi rào cản phía sau biên giới làm hạn chế dòng hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam. 

Bên cạnh đó, VN cần cải thiện môi trường hoạt động chung cho DN. Loại bỏ rào cản thương mại và nâng cao khả năng tiếp cận thị trường sẽ thu hút các nhà đầu tư mới đến Việt Nam. Quan trọng hơn, việc giảm chi phí và tính phức tạp cho hoạt động kinh doanh sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam, mà trong đó đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm thúc đẩy khởi nghiệp, giúp đảm bảo phát triển khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong tương lai. Để tiếp tục thu hút đầu tư và nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động, chính phủ cần tiếp tục hành động để hiện đại hóa và nâng cấp hệ thống giáo dục quốc gia, đặc biệt là cấp trường nghề và đại học. Hiện đại hóa giáo dục sẽ đảm bảo Việt Nam có một lực lượng quản lý, kỹ sư, và kỹ thuật viên lành nghề có thể nâng cao chuỗi giá trị khi nền kinh tế tăng trưởng. 


Thiếu thông tin, chính sách ưu đãi đầu tư đang là rào cản lớn
Ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Korcham


Kết quả cuộc khảo sát được thực hiện vào cuối năm ngoái với các công ty Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam cho thấy 46,1% số doanh nghiệp được hỏi cho biết sẽ tăng đầu tư vào Việt Nam, trong khi đó 44,7% cho biết sẽ vẫn đầu tư vào Việt Nam ở mức hiện tại. Ngoài ra, 71% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ hài lòng với hoạt động quản lý kinh doanh tại Việt Nam. 

Cũng theo kết quả này, những khó khăn mà các công ty Hàn Quốc gặp phải trong những giai đoạn đầu khi bắt đầu đầu tư là thiếu thông tin, khó khăn trong giao tiếp do khác biệt ngôn ngữ, và thiếu các chính sách ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, sau khi gia nhập thị trường Việt Nam, các công ty còn gặp những khó khăn khác như thiếu hệ thống pháp lý, pháp luật được thực thi chưa đồng bộ và khác biệt văn hóa. Một số vấn đề pháp lý theo pháp luật hiện hành đang gây khó khăn cho các nhà đầu tư Hàn Quốc, như việc miễn thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm nhôm.Trước đây, Luật Thuế Xuất khẩu, Thuế Nhập khẩu và Nghị định thi hành có quy định “Không áp thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm được sản xuất từ vật tư được nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu”. Tuy nhiên, Luật Thuế Xuất khẩu, Thuế Nhập Trang 2/3 NNS khẩu (khoản 7 điều 16, Luật số 107/2016/QH13) đã được sửa đổi ngày 06/04/2017, và Nghị định thi hành (điều 12, Nghị định 134/2016/NĐCP) có hiệu lực từ ngày 01/09/2016. Và cụm từ “Không áp thuế xuất khẩu” đã bị xóa đi. Do đó, các cơ quan nhà nước đang hiểu là vẫn áp thuế xuất khẩu. Và hiện tại, các sản phẩm này vẫn đang bị áp thuế xuất khẩu. 

Tiềm năng cho DN Úc trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, giáo dục
Ông Giles Cooper, Giám đốc Hiệp hội DN Úc tại VN ( Auscham Vietnam)


Mặc dù Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không tiến triển như mong đợi nhưng các doanh nghiệp Úc và Việt Nam được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại Tự do Đông Nam Á – Úc – New Zealand và cam kết của Việt Nam trong việc tiếp tục cải thiện các cơ hội thương mại và đầu tư qua việc tham gia các hiệp định thương mại quốc tế mới. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Úc với kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 10 tỷ USD và đầu tư của Úc vào Việt Nam ngày càng tăng mạnh. Chúng tôi thấy được tiềm năng lớn dành cho các nhà đầu tư Úc trong các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, dịch vụ tài chính, giáo dục, du lịch và sức khỏe. Năng suất lao động của Việt Nam cần tăng lên đáng kể. Công tác giáo dục và đào tạo cung cấp kỹ năng “sẵn sàng làm việc” cho sinh viên tốt nghiệp sẽ giúp thu hẹp khoảng cách kỹ năng và cung cấp nguồn nhân lực cần thiết. Trong giai đoạn ngắn hạn, các chuyên gia nước ngoài có thể giúp đỡ trong vấn đề này. Do đó, tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để phát triển hài hòa nền kinh tế Việt Nam là vấn đề mà các hội viên trong ngành giáo dục và đào tạo của AusCham hoàn toàn ủng hộ.

Để đạt được chuẩn giáo dục quốc tế, Việt Nam cần nâng cao tiêu chuẩn giáo dục tại các cơ sở đào tạo trong nước và ngoài ra cần phải có nguồn vốn nước ngoài, các sáng kiến và chuyên môn. Điều này cũng cần sự linh hoạt và khả năng thích ứng, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nghề.
 

Quỳnh Chi/vccinews.vn

Từ khóa:

Bài viết liên quan

au vung ben phai.tren cung
nha mat

TỶ GIÁ NGOẠI TỆ - VÀNG

  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
Yến sào Khánh HòaSAMAI BÊN PHẢIQuảng cáo bên trái dưới 2 (RMIT)CANG DONG NAI
vcci duoi cung ben trai
SAOMAIGROUP DƯỚI PHẢI

Đối tác

  • nha yen nha trang
  • coimex
  • Tà Cú
  • cang dong nai - doi tac
  • xskt sóc trăng