Trang tin điện tử phát triển thương hiệu

Lạm bàn hai chữ “Thương hiệu”

  Thứ Ba, Ngày 25 Tháng 9, 2012, 5:53
Lạm bàn hai chữ “Thương hiệu” Lạm bàn hai chữ “Thương hiệu”

Để hiểu những quyết định về chính sách có ý nghĩa như thế nào đối với thị trường trong nước, và sau nữa thế nào là một thương hiệu vàng quốc gia, trước hết, có lẽ vẫn cần phải nhìn lại 2 chữ “thương hiệu”.

 

 

Biểu đồ diễn biến giá vàng từ ngày 13/8 - 11/12/2012

Để hiểu những quyết định về chính sách có ý nghĩa như thế nào đối với thị trường trong nước, và sau nữa thế nào là một thương hiệu vàng quốc gia, trước hết, có lẽ vẫn cần phải nhìn lại 2 chữ “thương hiệu”.

Hợp lý và...

Theo GS Tôn Thất Nguyễn Thiêm, nguồn gốc tiếng Hán của “thương hiệu” có nghĩa là: san sẻ, bàn tính, đắn đo cùng nhau. Còn theo định nghĩa của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), thương hiệu là một dấu hiệu (hữu hình và vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hoá hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức. Ứng với vàng, thì thương hiệu vàng quốc gia sẽ cho ra những sản phẩm vàng có chất lượng và được VN sản xuất, ủy quyền cho nhà sản xuất SJC gia công và các đầu mối được cấp phép bán vàng sẽ là những người đại diện thương mại chính thức.

Trong một nền kinh tế đang cần những đối sách để ứng phó với vàng hóa và đô la hóa, để thiết lập kỷ cương và nền tảng cho sức khỏe của tiền đồng, dĩ nhiên, việc xây dựng một thương hiệu vàng quốc gia theo nghĩa kể trên là hợp lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc quy định thương hiệu vàng quốc gia lại chưa hề có cơ sở pháp lý nào. Ngay cả Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cũng hoàn toàn không có dòng nào về thương hiệu vàng quốc gia. Nghị định này chỉ nêu nguyên tắc quản lý là “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng”.

Bên cạnh đó, nếu xét ở mục đích chống đô la hóa và vàng hóa nền kinh tế, mà xây dựng một thương hiệu vàng quốc gia, cũng chưa thể thuyết phục được thị trường nếu xem xét ở cả góc độ vàng hàng hóa và vàng tiền tệ. Từ chỗ vàng là hàng hóa trong dân, nhưng nếu được NHNN mua lại để đưa vào kho dự trữ ngoại hối Quốc gia, vàng dễ dàng chuyển đổi thành tiền tệ và trong trường hợp này vô hình chung lại đi ngược mục đích chống “vàng hóa”. Chưa kể, vàng đã được mua và đưa vào kho dự trữ ngoại hối, thì chỉ cần là vàng số 9 “đủ tuổi”, không nhất thiết phải mang thương hiệu gì.

Nhìn từ thông lệ quốc tế

Theo TS Alan Phan, một kinh tế gia ở thị trường Mỹ lẫn Trung Quốc, trên thế giới có thể nói không có nước nào có khái niệm “thương hiệu vàng quốc gia”. Một điều đơn giản để lý giải vấn đề này, là: Thế giới xem vàng như một loại hàng hóa và giao dịch bình thường trên các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế, như dầu lửa, bạc, uranium… Không ai đi giao dịch dầu lửa mà đưa ra xác định đó là dầu lửa được khai thác từ nước nào trong khu vực nào. Việc nhận biết sản phẩm dầu mỏ thông qua các “chuẩn” thương hiệu như Brent Biển Bắc, West Texas Intermediate , OPEC… chủ yếu dựa trên sản lượng sản xuất của ngành công nghiệp dầu mỏ ở từng khu vực cũng như tỷ trọng và độ nhớt tương đối nhẹ, trung bình hay nặng của từng berrel dầu, không bao hàm việc đóng dấu” sở hữu của một quốc gia về chất lượng dầu mỏ. Với vàng, dù được khai thác, xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ,  hay bất kỳ nơi đâu thì khi có mặt trên thị trường thế giới cũng đều định giá theo một chuẩn duy nhất: Tuổi vàng.

Cũng theo thông lệ quốc tế, thương hiệu vàng chỉ gắn với đồng tiền của một số quốc gia thường dùng vàng để trữ kim, theo đó  vàng thỏi được xác định trên tiêu chuẩn LBMA (London Bullion Market Association) – tiêu chuẩn mua bán của thị trường Anh. Một số quốc gia có những đồng tiền vàng mang thương hiệu quốc gia mình như: Krugerrand Gold Nam Phi; Australian Gold Kangaroo; American Gold Eagle; American Gold Buffalo; Canadian Gold Maple Leaf; Chinese Gold Pandas… Nhưng những đồng tiền vàng này không có ý nghĩa lưu thông trên thị trường tiền tệ như đồng tiền thông thường, nó vẫn có gia trị thay đổi từng ngày tùy theo trị giá của kim loại quí trên thị trường.

TS Phạm Đỗ Chí - nguyên chuyên gia cao cấp chuyên nghiên cứu và theo dõi Vàng của Quỹ tiền tệ Quốc tế nói với DĐDN là ông không thể tìm đâu ra một luận chứng về Nhà nước độc quyền vàng theo thông lệ quốc tế.  “Vì quốc tế không có thông lệ này” – ông Chí khẳng định. Theo ông Chí, vàng là hàng hóa và cũng thể hiện quyền tích trữ, nắm giữ hợp pháp của mọi công dân trên thế giới. Vàng chỉ là tài sản đảm bảo an toàn vốn cho người dân khi lạm phát và đồng tiền mất giá xảy ra. Xưa, ở VN có hiệu vàng Kim Thành là nổi tiếng và gần 90% lượng vàng tích trữ trong dân thuở trước là vàng Kim Thành. Nhưng không ai xem vàng Kim Thành là vàng quốc gia và ngày nay cũng tương tự, vàng SJC có thể chiếm thị phần hơn 90% nhưng nếu không có sự bắt buộc và can thiệp theo các chính sách của nhà nước, dân cũng sẽ không coi SJC là thương hiệu vàng quốc gia. Nếu chỉ căn cứ trên việc SJC đang nắm giữ phần lớn thị trường vàng để nhà nước lấy đó làm tiền đề “độc quyền vàng”, vậy ở các thị trường hàng hóa khác, hễ cứ có một DN nắm phần lớn thị phần của thị trường, là Nhà nước cũng có quyền lấy đó làm thương hiệu quốc gia, và độc quyền “thuê” DN đó gia công sản xuất hàng hóa? Ngoài ra, thế giới không có khái niệm “giá trị cộng thêm” từ thương hiệu vàng như ở ta (trừ ý nghĩa của đồ cổ của một vài đồng tiền vàng cổ). Càng không có chuyện “neo” ổn định tỷ giá ngoại hối hoàn toàn vào vàng. Năm 2011-2012, “điểm son” của NHNN là quản lý tỉ giá rất ổn định, nhưng chưa hẳn điều đó đã đến chủ yếu từ các chính sách quản lý vàng. Về cơ bản, tỉ giá ổn định vẫn do cán cân thương mại của ta có thay đổi và nhập siêu giảm mạnh!”.

Quá độ trở lại... ngày xưa?

Đồng nội tệ của ta chưa nằm trong danh sách các đồng tiền chuyển đổi quốc tế. Trật tự kỷ cương của tiền đồng cũng chỉ mới được lập lại thời gian gần đây, khi Chính phủ quyết tâm kiềm chế lạm phát và hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô thay cho chạy theo thành tích tăng trưởng. Nói cách khác đồng nội tệ của ta chưa thực sự vững mạnh sau một giai đoạn lạm phát nóng bỏng và câu chuyện lấy sức mạnh đồng nội tệ để làm thước đo cho tự do của thị trường vàng vẫn cần phải có thêm thời gian, song song với các mục tiêu thiết thực và hợp lý của cơ quan quản lý đối với một nền kinh tế có nhiều đặc thù như VN, như chống đô la hóa và chống vàng hóa.

Dầu vậy, bản thân NHNN trong những ngày gần đây dường như cũng đã “bỏ qua” ý chí “độc quyền vàng”, vốn đã được khẳng định ở dòng thứ 19-20 của Thông cáo báo chí về Quyết định số 1623/QĐ-NHNN ngày 23/8/2012 về quản lý thị trường vàng. Cụ thể, mới đây NHNN đã quyết định niêm phong và giữ các khuôn đúc vàng của các thương hiệu khác nhau (ngoài SJC). Thống đốc NHNN cũng đã trực tiếp khẳng định “Việc mua bán vàng miếng của người dân, sẽ được thực hiện trên thị trường có tổ chức, giá vàng miếng sẽ được xác định dựa trên cơ sở cung cầu của thị trường. NHNN sẽ đóng vai trò là người mua bán cuối cùng trên thị trường vàng miếng giữa các tổ chức được phép kinh doanh vàng miếng nhằm bảo tồn và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước bằng vàng và phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ” (Theo văn bản của Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về độc quyền vàng SJC kỳ họp thứ 4, khóa XIII).

Như vậy, sau một giai đoạn ngắn SJC chính thức trở thành đơn vị duy nhất gia công vàng miếng cho NHNN, trước tình trạng “loạn” giá vàng và vàng nhái, vàng giả SJC tăng lên đột ngột, thị trường vàng trong nước ngày càng cách biệt với thị trường thế giới, những quan ngại từ việc NHNN “độc quyền vàng” đang nảy sinh và dường như đang trở thành động lực để cơ quan quản lý điều chỉnh những hướng đi mới. “Rất có thể đây là giai đoạn để từ ý chí độc quyền vàng của NHNN, thị trường vàng sẽ được chứng kiến giai đoạn “quá độ” trở về với… hôm xưa, trước khi Quyết định số 1623/QĐ-NHNN có hiệu lực. Bởi không phải bất kỳ lúc nào các chính sách cũng luôn luôn đúng và sát gần với thực tế thị trường. Hơn nữa, mọi biện pháp hành chính đều chỉ có một vai trò nhất định trong một giai đoạn nào đó và sẽ mất đi vai trò của nó nếu thị trường biến đổi. Về lâu dài, cơ chế và phản ứng của thị trường mới chính động lực điều chỉnh sự đúng, sai của các quyết định, chính sách”, một chuyên gia dự báo.

Cũng theo TS Alan Phan thì trên thế giới, có nhiều quốc gia đã từng trải qua giai đoạn nhà nước độc quyền vàng, tùy thuộc “kinh tế thị trường” hay “kinh tế chỉ huy”. Trung Quốc, hay cả Mỹ cũng đều đã có những giai đoạn nhà nước 100% quản lý kiểm soát chặt thị trường vàng. Nhưng sau giai đoạn kiểm soát đó, uy lực của kinh tế thị trường đã khiến nền kinh tế Chỉ huy phải thu hẹp lại và thị trường vàng được tự do hóa, thậm chí Trung Quốc còn khuyến khích người dân mua và tích trữ vàng. “Nền tảng để tự do hóa thị trường vàng là do họ có đồng nội tệ mạnh và dân không có nhu cầu tích trữ vàng khi đồng nội tệ ổn định, không mất giá”.

Lê Mỹ (DĐDN)

Từ khóa:

Bài viết liên quan

au vung ben phai.tren cung
nha mat

TỶ GIÁ NGOẠI TỆ - VÀNG

  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
Yến sào Khánh HòaSAMAI BÊN PHẢIQuảng cáo bên trái dưới 2 (RMIT)CANG DONG NAI
vcci duoi cung ben trai
SAOMAIGROUP DƯỚI PHẢI

Đối tác

  • nha yen nha trang
  • coimex
  • Tà Cú
  • cang dong nai - doi tac
  • xskt sóc trăng