Trang tin điện tử phát triển thương hiệu

Hiện thực hóa giấc mơ máy phát điện công nghiệp “made in Việt Nam”

  Thứ Bảy, Ngày 31 Tháng 12, 2016, 7:24
Hiện thực hóa giấc mơ máy phát điện công nghiệp “made in Việt Nam” Doanh nhân Trần Thành Trọng

Lúc khó khăn, từng có đối tác chào mua thương hiệu hơn 100 tỷ đồng nhưng với tâm huyết và quyết tâm xây dựng thương hiệu máy phát điện công nghiệp “made in Việt Nam”, doanh nhân Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai (SBM) đã không ngần ngại khước từ. Sau 5 năm, kể từ sau cái lắc đầu đó, SBMPOWER giờ đây đã là một thương hiệu máy phát điện có uy tín không thua kém bất kỳ sản phẩm ngoại nhập nào và là thương hiệu máy phát điện duy nhất của Việt Nam đạt đến công suất 2.500KVA cho đến thời điểm hiện tại.

Mày mò khởi nghiệp

Doanh nhân Trần Thành Trọng sinh năm 1973, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh chuyên ngành kỹ thuật điện. Năm 1996, sau khi tốt nghiệp ông làm thuê cho một tập đoàn nước ngoài chuyên nhập máy móc thiết bị ngành điện về phân phối tại Việt Nam. Năm 1997 ông “đầu quân” cho một doanh nghiệp có tên Ban Mai cũng làm trong ngành điện, chuyên nhập máy phát điện từ châu Âu về Việt Nam.

Quá trình làm việc ông nhận thấy những sản phẩm nhập về Việt Nam dù có công nghệ cao song điều kiện ở Việt Nam hoàn toàn có thể lắp ráp, thậm chí có thể sản xuất được. Với nền tảng của một kỹ sư ngành điện, sự đam mê nghề nghiệp thôi thúc ông tự mày mò nghiên cứu. Nhiều sản phẩm nhập về thay vì bán cho khách hàng thì được ông và cộng sự tháo rời để nghiên cứu và từ năm 1998 bắt đầu tiến hành lắp ráp những sản phẩm máy phát điện đầu tiên. Vào thời điểm đó đây là một công việc còn rất mới mẻ tại Việt Nam.
Để dần hiện thực hóa giấc mơ máy phát điện mang thương hiệu “made in Việt Nam”, năm 2001 anh mua lại Công ty Ban Mai và đổi tên Công ty thành Công ty Sáng Ban Mai có nhà xưởng thuê tại TP.Hồ Chí Minh. Với định hướng đầu tư phát triển lâu dài, năm 2006 anh tiến hành đăng ký nhãn hiệu SBMPOWER và năm 2008, khi quy mô hoạt động ngày càng lớn, nhu cầu khách hàng tăng anh mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy mới tại KCN Mỹ Phước 2, Bình Dương. Từ năm 2011, nhà máy SBMPOWER tại Bình Dương đã cho ra đời hàng loạt sản phẩm máy phát điện công nghiệp chất lượng cao, công nghệ châu Âu với công suất lớn hơn 500KVA.

Điều đặc biệt, dù là một thương hiệu mới thành lập nhưng SBM chỉ chọn những sản phẩm có công nghệ mới, tiên tiến của châu Âu và chỉ sản xuất lắp ráp những sản phẩm có công suất lớn. Nếu năm 2008 Công ty chỉ sản xuất khoảng 100 máy phát điện với công suất dưới 500KVA thì năm 2011 số lượng máy được tăng lên gấp nhiều lần và công suất máy cũng được tăng lên 1500KVA và đến nay là 2500KVA. Sản phẩm của SBM hiện được đánh giá rất cao về công nghệ, chất lượng cao không thua kém bất kỳ sản phẩm ngoại nhập nào nhưng giá bán lại rẻ hơn, chính vì vậy được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng. 

Hiện nay, SBM đã phân phối trên phạm vi toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam. Từ năm 2009, SBM xuất khẩu máy phát điện sang Lào, Campuchia và Myanmar. Đặc biệt, năm 2016, SBM là đơn vị đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu được máy phát điện công nghiệp thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài với hệ thống bốn tổ máy SBMPOWER có tổng công suất 8.600KVA, trong đó có ba tổ máy công suất mỗi máy 2.500KVA với giá trị gần 1,3 triệu USD. Dù thị trường chính vẫn là nội địa, song đã mở ra cơ hội mới cho SBM chinh phục thị trường khu vực ASEAN.

Cầm cố tài sản để có vốn thực hiện dự án


Không chỉ phục các khách hàng, dự án nhỏ lẻ, SBM còn tham gia vào những công trình dự án tầm cỡ. Hợp đồng nổi bật nhất, tạo đột phá và giúp SBM nâng cao vị thế thương hiệu đó là Hợp đồng sản xuất, cung cấp, lắp đặt máy phát điện cho Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương. Đây là công trình có yêu cầu rất cao về máy phát điện, công suất mỗi máy lên đến 2500KVA, kết nối đồng bộ. Công trình này nhà đầu tư và tư vấn thiết kế Singapore yêu cầu về chất lượng rất khắt khe. Có thể nói, khi nói đến máy phát điện, tư vấn thiết kế đều nghĩ ngay đến việc sử dụng máy nhập khẩu từ các nước tiên tiến, họ hoàn toàn chưa biết về máy phát điện mang thương hiệu Việt Nam. 

Nắm bắt được nhu cầu, ông Trần Thành Trọng đã không ngần ngại trình bày với lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn BecamexIDC. Sau khi tham khảo những yêu cầu về công nghệ, chất lượng từ phía nhà đầu tư và đơn vị thiết kế, ông khẳng định tại Việt Nam, cụ thể là SBM hoàn toàn có thể đáp ứng được với công nghệ, chất lượng không hề thua kém và chi phí chắc chắn rẻ hơn. Hơn nữa, là một doanh nghiệp sản xuất ngay trên địa bàn, nếu công trình sử dụng máy của SBM thì việc bảo trì, bảo dưỡng sau này sẽ rất thuận lợi. Sau khi đấu thầu, SBM trúng thầu với giá rẻ hơn. “Cùng chất lượng, cùng công nghệ, chỉ khác là địa điểm lắp ráp nhưng với giá trị hợp đồng lớn, chỉ rẻ hơn 10% thôi thì số tiền nhà nước tiết kiệm được là không hề nhỏ”, ông Trần Thành Trọng chia sẻ. 

Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương

Giá trị hợp đồng gần 50 tỷ đồng, phải ký quỹ 10% cũng là một thách thức đối với ông bởi dù sao SBM vẫn là doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là sau thời gian dài dồn hết nguồn lực cho hoạt động đầu tư và nghiên cứu phát triển sản phẩm. Để có tiền ký quỹ, ông phải bàn với vợ cầm cố tài sản để vay ngân hàng. Khó khăn là vậy, song mọi việc sau đó cũng đều diễn ra thuận lợi. Chỉ trong vòng một tháng sau khi nhập thiết bị chính, tháng 12/2013 SBM đã làm xong 2 tổ máy đầu tiên, mỗi tổ 2500KVA, tất cả hệ thống hòa vào nhau và tiến hành chạy thử thành công với sự giám sát của nhà đầu tư và đơn vị tư vấn nước ngoài. Sau 3 năm hoạt động, các máy phát điện SBMPOWER do SBM thực hiện đang vận hành rất tốt. Từ thành công này, SBM tiếp tục cung cấp máy phát điện cho nhiều hạng mục khác trong Trung tâm hành chính như: Trung tâm hội nghị, Khách sạn Becamex ...và một số dự án như: Bệnh viện Mỹ Phước, Tổ hợp chung cư-văn phòng Văn Phú - Hà Nội...với công suất lớn. 

Sản phẩm của SBM được Bộ Công Thương rất quan tâm và đánh giá cao. Năm 2016, Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung sản phẩm tổ máy phát điện công suất lớn hơn 1.100KVA đến 2.500KVA do SBM sản xuất là sản phẩm Việt Nam sản xuất được với tỷ lệ nội địa hóa tối đa đạt 40%.

Bằng sự nhạy bén của một doanh nhân, chiến lược đầu tư dài hạn, sự am hiểu của một người có trình độ chuyên môn cao cùng khát khao khẳng định thương hiệu Việt, doanh nhân Trần Thành Trọng đã tạo được những bước đi rất thành công, hiện thực hóa giấc mơ máy phát điện công nghiệp “made in Việt Nam”. “Chiến lược của tôi là đầu tư lâu dài, xây dựng thương hiệu SBMPOWER của Việt Nam nhưng đạt đẳng cấp quốc tế”, ông Thành chia sẻ.

Quốc Hưng
 

Từ khóa:

Bài viết liên quan

au vung ben phai.tren cung
nha mat

TỶ GIÁ NGOẠI TỆ - VÀNG

  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
  • Mã chứng khoán TC Khớp lệnh +/-
    Giá KL
Yến sào Khánh HòaSAMAI BÊN PHẢIQuảng cáo bên trái dưới 2 (RMIT)CANG DONG NAI
vcci duoi cung ben trai
SAOMAIGROUP DƯỚI PHẢI

Đối tác

  • nha yen nha trang
  • coimex
  • Tà Cú
  • cang dong nai - doi tac
  • xskt sóc trăng